Tăng trưởng dư nợ tín dụng: Không dễ hoàn thành mục tiêu

14:30, 22/07/2018

Trong khi mức tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngành Ngân hàng (NH) cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt 6,32% thì ở Thái Nguyên chỉ đạt 5,33%, thấp hơn 1,24% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý, ngay cả với những NH lớn trên địa bàn, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng cũng gặp không ít khó khăn.  Nhận định về thị trường tín dụng những tháng cuối năm, tuy có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra nhưng phần lớn đều cho rằng không dễ để hoàn thành mục tiêu đạt mức tăng trưởng dư nợ 15% đề ra trong năm nay.

Là đơn vị dẫn đầu về nguồn vốn, dư nợ cho vay và số lượng khách hàng trong hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, nhưng 6 tháng đầu năm nay, NH Nông nghiệp - PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên lại gặp không ít khó khăn về tăng trưởng dư nợ tín dụng, mức tăng chỉ đạt 2,94% (trong khi đó, vào thời điểm này những năm trước mức tăng thường đạt từ 6-7%).

Theo ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh, năm nay đơn vị sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu đạt mức tăng trưởng dư nợ tín dụng 14%. Nguyên nhân được xác định là do hoạt động của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn chỉ duy trì như thời gian trước, ít được mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thậm chí nhiều DN còn bị thu hẹp hoạt động, từ đó dư nợ cho vay của Chi nhánh với đối tượng khách hàng này không những không tăng mà còn giảm nhẹ. Còn đối với khách hàng chủ đạo của Chi nhánh là các hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp hoặc sinh sống trên địa bàn nông thôn thì do tác động từ ngành chăn nuôi hơn 2 năm qua rất bấp bênh khiến nhiều hộ không còn mặn mà vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, do tìm kiếm việc làm tại các công ty, DN khá dễ dàng nên thay vì vay vốn NH để phát triển kinh tế tại nhà thì phần lớn số người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn đã xin đi làm công nhân. Cũng nhờ làm việc tại các công ty, DN nên nhiều hộ vay vốn đã có điều kiện trả nợ NH. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác cũng cần kể đến đó là việc hàng loạt các dự án trên địa bàn được triển khai đền bù giải phóng mặt bằng nên nhiều hộ có điều kiện để trả nợ NH, thậm chí còn có tiền cho anh em họ hàng vay mượn…

Ở một khía cạnh nào đó, đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đứng về phía NH thì mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng lại gặp khó khăn. Vậy, giải pháp nào được Agribank Chi nhánh tỉnh đưa ra? Đó là tiếp tục tăng cường kết nối với các hội, hiệp hội DN để thúc đẩy cho vay DN; đẩy mạnh hoạt động của NH lưu động tại xã nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu cho người dân đối với các sản phẩm của NH…

Còn đối với NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, mặc dù tính đến hết 6 tháng, tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt tới 9,6%, nhưng trên thực tế, số tăng trưởng này hầu như chỉ tăng trong tháng 6, còn 5 tháng trước đó, mức tăng không đáng kể, thậm chí trong quý I còn tăng trưởng âm. Lý giải về điều này, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Thái Nguyên chia sẻ: Với hơn 80% dư nợ cho vay của Chi nhánh là của khách hàng DN nên trước khó khăn trong tăng trưởng chỉ tiêu này, BIDV đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ dành cho các loại hình DN. Nhờ đó, từ tháng 6, dư nợ cho vay của Chi nhánh được cải thiện đáng kể. Ông Quý cũng cho biết thêm: Hiện lãi suất cho vay cả kỳ ngắn và dài hạn của BIDV so với 2017 đều giảm trung bình từ 1-1,5%/năm (tùy gói và tùy kỳ hạn).

Cũng chung nhận xét “khó khăn” mặc dù tăng trưởng dư nợ tín dụng của Chi nhánh 6 tháng qua đạt tới 13% trên kế hoạch tăng trưởng cả năm là 18%, ông Trần Thùy Dương, Giám đốc NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Thái Nguyên phân tích: Một số lĩnh vực sản xuất được cho là truyền thống của tỉnh là sắt thép, khai khoáng - luyện kim, vật liệu xây dựng thời gian qua đều gặp khó khăn. Vì thế, việc tiếp tục mở rộng cho vay đối với đối tượng này được Chi nhánh đánh giá là không khả thi. Ngay trong lĩnh vực bán lẻ, một trong hai trụ cột chính của Chi nhánh cũng đang ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch năm của Vietcombank Thái Nguyên là hoàn toàn hiện hữu. Một phần cũng bởi, số tăng tuyệt đối của Chi nhánh không cao như một số NH TMCP lâu năm khác trên địa bàn.

Về kết quả chung của thị trường tín dụng 6 tháng qua của tỉnh, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn là 48.688 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2017. Một trong những nguyên nhân khiến mức tăng trưởng của Thái Nguyên đạt thấp hơn so với toàn quốc là do NH Shinhan (Hàn Quốc) điều chỉnh giảm vốn 1.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Hội sở. Nếu không có sự điều chỉnh này, thì mức tăng trưởng dư nợ tín dụng của các NH trên địa bàn tỉnh sẽ đạt 7,62%. Tuy nhiên, qua số liệu hoạt động của các NH trên địa bàn cho thấy, dư nợ tín dụng đối với khối DN đang gặp nhiều khó khăn khi mà trong số 7 chi nhánh NHTMCP nhà nước (chủ yếu cho vay DN), thì chỉ có 2 chi nhánh đạt mức tăng trưởng cao, còn lại các chi nhánh khác đều đạt dưới 4,3%, thậm chí có 2 chi nhánh còn có tăng trưởng âm. Tốc độ tăng chung của khối NH này là 4,99%, tương đương 1.700 tỷ đồng. Còn đối với các NHTMCP khác (phần lớn dư nợ là cho vay tiêu dùng), mức tăng cao hơn, với 9,13%, nhưng do số tuyệt đối nhỏ nên số tăng tuyệt đối chỉ là 742 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, dư nợ cho vay trong toàn hệ thống NH của tỉnh tăng 2.442 tỷ đồng.

Öng Bùi Văn Khoa cho rằng không dễ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng 15% của năm nay, vì tình hình sản xuất kinh doanh của phần lớn DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ đang ở mức bình thường, thậm chí một số ngành đang phải đối diện với khó khăn. Còn khối DN FDI dù vẫn tiếp tục đà tăng trưởng nhưng hầu như không có quan hệ tín dụng với các NH Việt. Tuy nhiên, nói như vậy không hoàn toàn có nghĩa không có những dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng dư nợ tín dụng những tháng cuối năm khi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh vừa qua, hàng loạt các dự án đã được trao quyết định phê duyệt chủ trương, giấy chứng nhận và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Điều này về lâu dài sẽ có tác động rất tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng về trước mắt sẽ chưa thể thấy ngay hiệu ứng tác động vì để 1 dự án được triển khai cần phải có thêm thời gian, dẫu vậy nó cũng sẽ tạo ra sức lan tỏa không nhỏ trong nhân dân ở những tháng còn lại của năm 2018.