Tạo điều kiện để ngành chế biến gỗ phát triển

11:16, 26/07/2018

Toàn huyện Phú Bình hiện có trên 6 nghìn ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất. Tận dụng lợi thế này, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đã phát triển nghề chế biến gỗ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Song hành với đó, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình cũng đã tăng cường công tác quản lý, đưa các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản vào hoạt động phù hợp, đúng quy định.

Đến thăm cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của gia đình anh Dương Đình Tuyến, ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương chúng tôi quan sát thấy những bộ bàn ghế, tủ, kệ được làm rất tỉ mỉ, đẹp mắt. Anh Tuyến chia sẻ: Trung bình mỗi năm, nhà tôi sản xuất được 30 bộ bàn ghế và 10 chiếc tủ, kệ, tương ứng với tiêu thụ 30-40m3 gỗ tròn và 18m3 gỗ xẻ các loại. Mỗi bộ bàn ghế có giá bán trung bình từ 20-30 triệu đồng/bộ và kệ, tủ là từ 8-10 triệu đồng/chiếc. Sản xuất đồ mộc hơn 6 năm nay, gia đình tôi luôn chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, có đầy đủ giấy tờ hồ sơ nguồn gốc nhập, xuất lâm sản. Được cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền hướng dẫn, nhà tôi cũng ghi chép đầy đủ các thông tin trong sổ theo dõi nhập - xuất lâm sản và cập nhật các thông tin mới liên quan.

Cùng chúng tôi đi thực tế tại làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, anh Hoàng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong những năm gần đây, việc phát triển các cơ sở chế biến gỗ giúp giải quyết việc làm và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Toàn xã hiện có 60 hộ sản xuất, kinh doanh lâm sản, tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, chúng tôi đều phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ chấp hành tốt quy định của Nhà nước, không để xảy ra tình trạng gỗ không có nguồn gốc được đưa vào chế biến.

Không chỉ riêng ở Xuân Phương, toàn huyện Phú Bình hiện có 113 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lâm sản (tương đương so với cùng kỳ năm ngoái) tập trung ở các xã như: Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa, Bàn Đạt, Bảo Lý... Để tăng cường quản lý các cơ sở này, hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình tổ chức thống kê, rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn để tiện theo dõi hoạt động kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực lâm sản thông qua các hội nghị và lồng ghép cùng với các đợt thanh, kiểm tra. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ về hồ sơ lâm sản, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trong đó có hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp), nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào; việc ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản và kê khai lâm sản của các cơ sở…

Qua các đợt thanh, kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn huyện đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, guồn gốc gỗ đưa vào chế biến chủ yếu là gỗ rừng sản xuất và gỗ nhập khẩu được mua lại của các công ty kinh doanh gỗ trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ lẻ, phát triển tự phát nên vẫn còn một số nội dung còn thiếu như: giấy phép kinh doanh; cam kết bảo vệ môi trường; việc ghi chép sổ theo dõi nhập - xuất lâm sản chưa được đầy đủ, kịp thời...

Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với UBND xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Qua đó, yêu cầu các cơ sở chế biến hoàn thiện các nội dung còn thiếu như: giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường... Hạt cũng đã tiến hành nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sở cách tính, ghi sổ nhập xuất lâm sản hàng ngày và yêu cầu khắc phục, nếu tiếp tục tái phạm sẽ tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định. Cùng với đó, chúng tôi sẽ chú trọng hơn nữa vào công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành quy định của pháp luật về sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ phát triển, góp phần giải quyết việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.