Bàn Đạt được biết đến là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Phú Bình với tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 lên tới 50,7%. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của người dân mà hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 23,09%. Mặc dù xã vẫn nằm trong danh sách những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện, song kết quả đó cũng phần nào cho thấy sự nỗ lực vươn lên của chính quyền và người dân nơi đây.
Ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt cho biết: Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 1.740ha, xã có 1.581 hộ dân với trên 6.600 nhân khẩu nhưng chiếm trên 49% hộ dân là dân tộc Sán Dìu. Xuất phát từ thực tế phát triển kinh tế- xã hội của địa phương trong những năm qua, với địa hình rộng chủ yếu là đồi núi, dân cư sinh sống không tập trung, trình độ thâm canh, canh tác còn nhiều hạn chế khiến cho phát triển kinh tế của địa phương thêm phần khó. Vì vậy, những năm qua, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã đã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển kinh tế, hiện tổng số vốn dư nợ trên địa bàn là 49,74 tỷ đồng, nguồn vốn này đã góp phần tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở địa phương.
Với đặc thù trên 90% số hộ gia đình làm nông nghiệp nên xã tập trung phát huy những thế mạnh trong lĩnh vực này. Để người dân có cơ hội nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, xã đã đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có thêm kiến thức, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đơn cử như gia đình anh Phan Văn Huy ở xóm Bàn Đạt. Anh Huy chia sẻ: Năm 2005, gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ ngân hàng để trồng keo và xây chuồng trại chăn nuôi gà. Nhờ vốn kiến thức học hỏi, tích lũy được qua các lớp tập huấn tổ chức ở địa phương nên việc chăn nuôi của gia đình tôi thuận lợi. Dần dần, tôi mở rộng quy mô, đến nay, gia đình tôi chăn nuôi 12.000 con gà và gần 100 con lợn/năm, vườn đồi có trên 1.000 gốc keo và 500 gốc cây ăn quả các loại… Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi trên 500 triệu đồng… Được biết, không chỉ có nhà anh Huy mà trong xã, nhiều hộ dân đã lựa chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hiện trên địa bàn xã có 4 trang trại và 60 gia trại; tổng đàn trâu bò hơn 1.200 con; lợn trên 4.600 con và hơn 380.000 con gà...
Do địa hình đất đai chủ yếu là đồi núi nên người dân trong xã được định hướng lựa chọn trồng các giống lúa lai BTE, Thiên ưu 8, TH3-3, TH3-5; các cây công nghiệp ngắn ngày có năng suất cao, trong đó lựa chọn cây ăn quả, cây chè là cây trồng mũi nhọn. Với cây chè, xã có 1 làng nghề chè xóm Phú Lợi với trên 30 hộ dân tham gia trồng, chế biến chè, Hằng năm, xã đều phối hợp tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến chè cho các hộ dân; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ người dân mua thiết bị chế biến chè... Qua đó, gần 40ha chè cành được trồng và phát triển ổn định, đảm bảo cung ứng ra thị trường trên 100 tấn chè khô, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện chương trình trồng rừng theo dự án 447, hàng năm, người dân đều thực hiện trồng thay thế từ 40 – 60ha keo, thực hiện chăm sóc cây trồng theo đúng kỹ thuật, làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy. Đến nay tổng diện tích rừng trồng trong toàn xã là trên 500ha. Để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển. Hiện toàn xã có 30 xưởng sản xuất đồ gỗ góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Năm 2017, qua các chương trình liên kết giới thiệu việc làm, trên 100 người dân trong xã đã có việc làm mới tại các công ty, doanh nghiệp, xuất khẩu lao động nước ngoài cho thu nhập ổn định.
Cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế, hạ tầng nông thôn cũng được xã chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Trong 3 năm qua, xã đã vận động người dân hiến được trên 12.600m2 đất các loại để xây dựng các công trình công cộng. Riêng năm 2017, toàn xã đã làm được thêm trên 7km đường bê tông trong đó nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng; sửa chữa cải tạo kênh mương nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, xây mới và sửa chữa 3 nhà văn hóa xóm... Năm 2017, có 83% số hộ đạt Gia đình văn hóa; có 4/12 xóm đạt Khu dân cư văn hóa; 90% nhà ở của người dân đã được xây dựng đạt chuẩn theo quy định; 100% các thôn xóm các thiết bị nghe nhìn, truy cập in- tơ- nét, thu nhập bình quân người dân đạt 24 triệu đồng/năm (tăng 18 triệu đồng so với năm 2011).
Tuy nhiên, hiện nay xã vẫn phải đối diện với một số khó khăn như: Hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ; xã mới đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới; chưa có nhà văn hóa xã; đường trục xã, liên xã mới cứng hóa đạt trên 50…