Từ khi triển khai đến nay, Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2037) đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực. Các chương trình hỗ trợ của Đề án đều đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Mùa này về Thượng Nung (Võ Nhai), khắp nơi trải dài một màu xanh trù phú. Trên sườn núi, những nương ngô đang vươn mình đón nắng; dưới thung lũng, bao bông lúa đã bắt đầu chắc hạt... Ông Lương Văn Lịch, cán bộ xã Thượng Nung (Võ Nhai) cho hay: Có sự đổi thay này là do địa phương được Nhà nước hỗ trợ làm đường giao thông; người dân được hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, mua trâu, bò... theo các chương trình hỗ trợ của Đề án 2037.
Được biết, ngoài Thượng Nung, còn rất nhiều xã trong tỉnh được hỗ trợ theo Đề án 2037. Theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, khi mới triển khai Đề án, các cấp, ngành chức năng gặp khá nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn đầu tư. Hơn nữa, các xóm, bản được hỗ trợ đều ở khu vực có địa hình phức tạp, đi lại vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân sở tại, sau gần 4 năm thực hiện, kết quả đạt được vượt qua cả sự mong đợi của các cấp, ngành chức năng và người dân.
Qua kết quả tổng hợp của Ban Dân tộc tỉnh (đơn vị đầu mối khi thực hiện Đề án), những năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho người dân hàng chục tỷ đồng đầu tư cho phát triển sản xuất. Riêng năm 2017 và 2018, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 9 tỷ đồng cho đồng bào mua cây, con giống; phân bón... Theo đó, từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã hỗ trợ cho khoảng trên 1.000 hộ dân có nhu cầu hỗ trợ giống, phân bón phục vụ cho việc trồng ngô lai với tổng hiện tích trên 600ha. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ mô hình trồng 3ha bưởi Da xanh tại xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ) với 30 hộ dân tham gia (hiện nay đang phát triển tốt)… Đặc biệt, gần 4 năm qua, Đề án còn hỗ trợ 250 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn chăn nuôi trâu, bò với kinh phí trên 7,6 tỷ đồng. Khảo sát cho thấy, đến nay, 100% số vật nuôi đều khỏe mạnh, đã sinh sản được 1 lứa; các hộ đều trả vốn, lãi cho ngân hàng đúng hạn.
Thực tế cho thấy, thông qua sự hỗ trợ của Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo việc làm, tăng vụ, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích; thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân. Ngoài ra, Đề án còn giúp cho đồng bào dân tộc Mông được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tận dụng lợi thế về đất đai, lao động, nguồn thức ăn tại chỗ nhằm phát triển chăn nuôi.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Từ việc thực hiện Đề án, cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, trường học, điện lưới Quốc gia tại các địa bàn vùng cao, đặc biệt khó khăn đã được đầu tư. Từ đó tạo điều kiện cho các xóm, bản đặc biệt khó khăn vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, từ năm 2014 đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thành 15 tuyến đường giao thông lên các xóm, bản đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài hơn 43km (tổng dự toán đầu tư xây dựng trên 64,4 tỷ đồng); hoàn thành 11 công trình điện lưới để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của các xóm, bản ở vùng sâu, vùng xa. Theo đó, ngành Giáo dục đã, đang triển khai xây dựng 16 công trình nhà lớp học phục việc dậy và học ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...
Có thể khẳng định, Đề án 2037 với những cách thức tiếp cận, hỗ trợ thiết thực đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp cải thiện đời sống đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Hết năm 2017, các xóm, bản thuộc Đề án 2037 đã có những chuyển biến đáng kể, nhất là ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống như huyện Đồng Hỷ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,35%; Võ Nhai giảm 2,7%...
Tuy nhiên, vẫn còn một số xóm, bản khó khăn dù đã được hỗ trợ từ Đề án. Nguyên nhân do địa hình ở các xóm, bản này phức tạp, đường có độ đốc lớn khi mưa to dễ bị xói mòn làm hỏng đường. Trường hợp này đã xảy ra ở xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung khi đợt mưa lũ hồi cuối tháng 7 vừa qua xảy ra làm xói lở, hư hỏng gần 1km đường được cứng hóa theo Đề án 2037 từ đầu năm 2015. Do đó, cùng với việc hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xóm, bản vùng cao; hỗ trợ phát triển sản xuất; tỉnh cần tuyên truyền vận động nhân dân các địa phương được hưởng thụ từ Đề án nâng cao ý thức trong việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường cũng như có kinh phí hỗ trợ bà con tu sửa các tuyến đường bị hư hỏng nặng...
Đề án 2037 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 16-9-2014. Mục tiêu của Đề án là dành nguồn lực hỗ trợ bà con tạo ra mô hình sản xuất mới; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát huy vai trò của cộng đồng người Mông trong việc cải thiện đời sống, đấu tranh bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… |