Từ một địa phương thuộc nhóm nghèo nhất của huyện Định Hóa, xã Lam Vỹ đã và đang có những bước tiến vững chắc. Kết quả này xuất phát từ định hướng, lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự tiên phong, gương mẫu của các đảng viên.
Ông Hạc Văn Luận, Bí thư Đảng ủy xã Lam Vỹ giới thiệu: Với đặc thù xã vùng cao, đất sản xuất nông nghiệp ít, lại manh mún là một trong những hạn chế của Lam Vỹ trong việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Bù lại, chúng tôi có diện tích đất rừng tự nhiên tương đối lớn, với 3.328ha (trong đó rừng sản xuất là gần 1.400ha). Nhìn lại bức tranh kinh tế của Lam Vỹ những năm về trước, do khó khăn về nguồn lực, trình độ dân trí thấp nên bà con chưa mấy chú trọng đến việc khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, nhất là để lãng phí đất rừng. Mặt khác, kỹ thuật canh tác của người dân còn lạc hậu, các yếu tố về cây, con giống chưa được chú trọng, sản xuất chủ yếu theo hướng độc canh nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đánh giá đúng thực trạng này, nên ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi đã xây dựng nghị quyết tập trung lãnh đạo, tháo gỡ từng vấn đề cụ thể. Nhằm phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng rừng và đất rừng, Đảng uỷ, UBND xã chọn hướng đa dạng hóa ngành nghề, phát huy thế mạnh trồng rừng sản xuất là trọng tâm để nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên cơ sở định hướng của toàn khóa, hằng năm, Đảng ủy xã Lam Vỹ đều xây dựng các nghị quyết chuyên đề về kinh tế lâm nghiệp, với trọng tâm là trồng rừng sản xuất và quế. Riêng từ năm 2017 tới nay, xã đã trồng được 250ha rừng keo; diện tích quế gần 100ha. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động để người nâng cao nhận thức về kinh tế lâm nghiệp; khuyến khích phát triển các vườn ươm cây giống; tổ chức tốt hoạt động khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ và khai thác hợp lý, đúng quy định pháp luật các nguồn lợi từ rừng. Ngoài ra, xã cũng triển khai đồng bộ các chính sách về vốn hỗ trợ trồng rừng và phát triển kinh tế rừng, bao gồm: vốn từ các chương trình của ngân sách Nhà nước, vay ưu đãi, vốn ngân sách huyện; vốn của chủ rừng, hộ gia đình và các nguồn vốn hợp pháp khác...
Trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy xã Lam Vỹ đặc biệt chú trọng việc nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. So sánh tỷ lệ hộ nghèo trong đảng viên là 3,8%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo chung toàn xã là 23,1% chính là minh chứng thuyết phục. Ông Lôi Đình Điểm, Bí thư Chi bộ Làng Cỏ cho rằng: “Đã là đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế. Mình mà nghèo thì còn lãnh đạo được ai nữa.” Với quan điểm như vậy nên trong định hướng lãnh đạo của Chi bộ luôn lấy vấn đề phát triển kinh tế làm trọng tâm. “Chúng tôi có 7 đảng viên, chỉ còn duy nhất còn một trường hợp nghèo do bất khả kháng bởi gia đình neo đơn. Bản thân tôi hiện cũng đang phát triển mô hình gia trại tổng hợp với hơn 100 con gà thả vườn, 10 con lợn nái, ao rộng 1.000m2 nuôi cá và ba ba gai. Cùng với đó là hơn 1ha rừng keo sắp cho khai thác. Làm kinh tế vừa để gia đình khấm khá hơn, cũng có điều kiện hơn giúp đỡ những hộ xung quanh mình.” - Ông Điểm chia sẻ.
Đảng viên Vũ Ngọc Quân, ở xóm Nà Tấc cũng là một điển hình phát triển kinh tế. Từ năm 2015, ông đã tiên phong chuyển đổi hơn 1ha đất đồi trồng keo sang cây quế. “Tôi được đi tham quan một số mô hình trồng quế, nhất là trên huyện Văn Yên (Yên Bái). Thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu trên đó cơ bản giống địa phương mình nên tôi mạnh dạn thử nghiệm.” Đến nay, sau hơn 3 năm vườn quế của gia đình ông Quân đã cho nguồn thu gần 20 triệu đồng nhờ chặt tỉa cành và cây nhỏ bán cho doanh nghiệp để ép dầu. Cũng nhờ sự tiên phong của ông Quân mà có hàng chục gia đình ở Nà Tấc học tập phát triển cây quế với diện tích gần 20ha.
Với tỷ lệ hộ nghèo 23,1%, Lam Vỹ vẫn là một trong những xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện Định Hóa. Tuy nhiên, so với hơn con số hơn 42% hộ nghèo ở đầu nhiệm kỳ 2015-2020 thì địa phường này đã cơ sự chuyển biến tích cực. Ông Hạc Văn Luận thông tin: Hiện tại, chúng tôi mới đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Do vậy, định hướng của Đảng ủy xã trong thời gian tới là tiếp tục đặt trọng tâm lãnh đạo phát triển kinh tế, lấy lĩnh vực nông lâm nghiệp làm chủ lực. Trên cơ sở nguồn nội lực của nhân dân và các nguồn vốn hỗ trợ khác sẽ từng bước hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, phấn đấu đến năm 2021 sẽ về địch nông thôn mới.