Những năm gần đây, Thái Nguyên được biết đến là một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về tốc độ hoàn thành dự toán năm sau cao hơn năm trước. Có nhiều yếu tố làm nên thành công này, trong số đó không thể không nhắc đến sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức ngành Thuế trong việc đoàn kết, khắc phục khó khăn và luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người nộp thuế.
Năm nay, Thái Nguyên được Chính phủ, Bộ Tài chính giao thực hiện 13.112 tỷ đồng, trong đó ngành Thuế được giao 9.912 tỷ đồng, còn lại là của Chi cục Hải quan. 8 tháng năm 2018, toàn tỉnh thu được 8.867 tỷ đồng, trong đó ngành Thuế thực hiện được 6.931 tỷ đồng, bằng 70% dự toán năm được giao, loại trừ tiền sử dụng đất thu được 5.921 tỷ đồng, bằng 69% dự toán năm được giao, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế, có được kết quả trên, trước hết phải kể đến những nỗ lực của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó sự có mặt của Samsung được xem là một minh chứng sinh động nhất cho thành công này của tỉnh. Tính đến thời điểm này, Tập đoàn Samsung đã đầu tư 3 dự án tại tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư trên 6,2 tỷ USD. Và đến nay, sau 4 năm được hưởng ưu đãi miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì từ năm 2018, Công ty TNHH Samsung Electronis Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) bắt đầu phát sinh 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Dự kiến, năm nay, số thu này từ SEVT sẽ đạt khoảng 800 tỷ đồng. Nhờ đó, trong năm nay, dự kiến SEVT sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh qua ngành Thuế khoảng 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, sẽ có thêm khoảng 100 tỷ đồng cũng từ các doanh nghiệp FDI là phụ trợ của Samsung do hết thời gian hưởng ưu đãi, phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 130 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD.
Cùng với doanh nghiệp FDI, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều khởi sắc. Trong số này, đáng chú ý, một số doanh nghiệp lớn sau nhiều năm đầu tư, xây dựng thì từ năm 2018 cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động ổn định, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đó là các đơn vị: Nhà máy Nhiệt điện An Khánh, Công ty TNHH Hóa chất Vonfram Masan (tiền thân là Công ty TNHH tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck)... Nhờ đó đã giúp nguồn thu từ khu vực ngoài quốc doanh của tỉnh năm nay dự kiến sẽ đạt cao so với kế hoạch, khoảng 1.750 tỷ đồng, trên kế hoạch được giao là 1.480 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mấm, T.P Thái Nguyên: Với 20 năm hoạt động, kinh doanh ở nhiều ngành nghề khác nhau như đồ nội thất, xây dựng, nhà hàng, khách sạn, siêu thị nên tôi hiểu rất rõ những thay đổi trong cách quản lý của cơ quan Thuế. Nếu trước đây, chúng tôi còn có tâm lý “ngại” tiếp xúc với cán bộ thuế thì giờ, suy nghĩ đó đã không còn. Chưa bao giờ người nộp thuế lại cảm nhận được sự gần gũi, đồng hành và hỗ trợ một cách vô tư của cán bộ Thuế như hiện nay. Điều này giúp doanh nghiệp, người nộp thuế có được cảm giác yên tâm, tự tin trong quá trình hoạt động. Những vấn đề doanh nghiệp không rõ đều có thể hỏi trực tiếp hoặc qua điện thoại mà không bị cảm thấy ngại ngần như trước. Vì thế đã giúp doanh nghiệp hạn chế được tối đa những sai sót trong nghiệp vụ kê khai, kế toán. Điều này góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả. Nhờ đó, số nộp vào ngân sách Nhà nước của Công ty năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 20%. Nhiều năm liền, Công ty đều có tên trong danh sách được khen thưởng tại Hội nghị tôn vinh những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước.
Còn theo ông Park Su Ho, Tổng Giám đốc Công ty TNHH RFTech Thái Nguyên, Khu công nghiệp Điềm Thụy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Thái Nguyên thì: Tôi và các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao sự hướng dẫn của cơ quan Thuế và Hải quan trên địa bàn tỉnh. Tôi mong, sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành nhiều hơn nữa từ các cơ quan này để giúp quá trình hoạt động của doanh nghiệp ngày càng đạt hiệu quả, tiếp tục có những đóng lâu dài và nhiều hơn cho tỉnh.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia và của tỉnh, ngành Thuế luôn nỗ lực, chủ động thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; đồng thời kịp thời tham mưu với tỉnh các giải pháp nhằm tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng cho các nhà đầu tư. Theo đó, ngành Thuế tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để nâng cao sự hiểu biết và tính tuân thủ, tự giác trong việc kê khai, nộp thuế. Phối hợp và ký quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan, gồm: Kho bạc, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội tỉnh và mới đây nhất là với Bưu điện tỉnh để triển khai ủy nhiệm thu thuế qua bưu điện đối với các cá nhân kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kê khai, nộp thuế điện tử và hóa đơn điện tử, nhằm rút ngắn thời gian giao dịch của người dân, doanh nghiệp với cơ quan thuế. Hiện nay, mặc dù toàn ngành Thuế đang thực hiện lộ trình về cắt giảm đầu mối các chi cục thuế để thành lập chi cục thuế khu vực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, thì một trong những nguyên tắc mà ngành Thuế quan tâm, thực hiện đó là không làm ảnh hưởng đến người nộp thuế. Năm nay, ngành Thuế Thái Nguyên phấn đấu đặt mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được giao, góp phần đạt mục tiêu thu trên địa bàn toàn tỉnh đạt tỷ 14 nghìn tỷ đồng (vượt khoảng trên 1 nghìn tỷ so với kế hoạch).
Để đạt được một trong những mục tiêu mà tỉnh đưa ra đó là sẽ tự cân đối được thu chi trước năm 2020, ông Phạm Văn Chức cho rằng, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Thuế thời gian tới là khá nặng nề. Vì thế, các giải pháp sẽ được ngành chú trọng thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo đó là: Làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh về SEVT trong việc phân chia lợi nhuận; tập trung quản lý chặt chẽ nguồn thu về tài nguyên khoáng sản, thông qua việc phối hợp với sở, ngành chức năng tăng cường cưỡng chế, quản lý nợ, đặc biệt là nợ quá 90 ngày trở lên, thực hiện đầy đủ các biện pháp đối với những doanh nghiệp này để không làm phát sinh nợ mới; đảm bảo thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra, đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất, phấn đấu thu róc các khoản thu theo kết luận của thanh, kiểm tra. Cùng với đó, quan tâm, làm tốt công tác cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ, không để cán bộ nào gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp. Và để làm được điều này, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành Thuế rất cần sự ủng hộ từ phía các doanh nghiệp và người nộp thuế. Tất cả vì mục tiêu phát triển Thái Nguyên theo hướng nhanh và bền vững, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.