Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn xóm Trung Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương), có 26 thành viên, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái và sức khỏe người làm chè.
Cây chè được người dân trong xóm Trung Thành 1 đưa vào trồng từ năm 1970. Trước đây, người dân trong xóm chủ yếu trồng và chế biến chè theo phương thức truyền thống, giá trị kinh tế cây chè mang lại rất thấp. Khoảng 5-7 năm trở lại đây, người dân trong xóm đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích chè trung du già cỗi sang trồng những giống chè có năng suất chất lượng cao, như: Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, LDP1, TRI777.
Năm 2015, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn của xóm được thành lập gồm 26 thành viên, với diện tích sản xuất chè trên 10ha. Ban đầu, các thành viên trong Tổ gặp rất nhiều khó khăn trong trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP do vẫn còn thói quen làm chè theo phương thức truyền thống; trang thiết bị chế biến chưa đáp ứng yêu cầu; khu vực chế biến chưa đảm bảo vệ sinh; đặc biệt là bà con chưa có thói quen ghi nhật ký sổ nông hộ.
Tuy nhiên, bằng sự cần mẫn, ham học hỏi, sau khi được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ kỹ thuật ở huyện xuống tận hộ hướng dẫn, các thành viên trong Tổ đã dần thích nghi và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2016, Tổ hợp tác chè an toàn xóm Trung Thành 1 đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh cấp cấp Giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Kể từ đó đến nay, bà con tích cực đầu tư chăm sóc cây chè sao cho đạt năng suất cao nhất.
Anh Đinh Quốc Văn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn xóm Trung Thành 1, cho biết: Hiện nay, năng suất chè của chúng tôi trung bình đạt 13 tấn chè búp tươi/ha/năm, cao hơn so với những hộ dân trồng chè khác trong xóm gần 3 tạ/ha. Các sản phẩm chè được đóng gói và dán tem ghi rõ nguồn gốc hàng hóa. Giá bán 1kg chè VietGAP cao hơn so với làm chè thông thường. Nếu như trước kia, chè chỉ bán được với giá 100 đến 120 nghìn đồng/kg chè búp khô thì nay chè VietGAP của các thành viên trong Tổ bán với giá 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/kg chè búp khô. Không chỉ tiêu thụ ở trong huyện, T.P Thái Nguyên, sản phẩm chè của Tổ cũng đã có mặt ở các tỉnh, thành trong nước như: Vũng Tàu, T.P Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Bình Dương... Mỗi năm, các thành viên trong Tổ xuất bán ra thị trường khoảng 15 tấn chè búp khô, đem lại doanh thu trên 4,4 tỷ đồng.
Trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn xóm Trung Thành 1 không chỉ tăng hiệu quả kinh tế, mà số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè cũng giảm đến 2-3 lần so với trước đây. Anh Nguyễn Văn Hải, một thành viên trong Tổ cho biết: Đến nay, tôi và các thành viên trong Tổ hợp tác đã nắm chắc quy trình sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tiếp cận được quy trình sản xuất hàng hoá chất lượng cao cũng như nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề an toàn thực phẩm trong trồng và chế biến chè.
Thực tế cho thấy, năng suất chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn nhiều so với phương thức sản xuất chè thông thường, song sản phẩm chè đã không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định. Các thành viên trong Tổ đã biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục được phép sử dụng trên cây chè, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học có nguồn gốc, góp phần hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm sức khỏe bà con trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
Từ khi làm chè VietGAP, các thành viên trong Tổ hợp tác cũng mạnh dạn đầu tư nâng cấp khu chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mua sắm thiết bị chế biến tiên tiến, hiện đại. Hiện nay, 100% thành viên của Tổ đều đầu tư máy sao chè, vò chè bằng inox, trên 50% thành viên xây dựng được khu chế biến đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, một số thành viên khác còn xây dựng được kho lạnh để bảo quản chè.
Anh Đinh Quốc Văn cho biết thêm: Làm chè VietGAP không chỉ đem lại nguồn thu nhập khá cho các hộ mà còn góp phần tạo nên tính đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong khó khăn giữa các thành viên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến chè nhằm đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng ngày càng chất lượng. Việc trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân trồng chè trong xóm trong việc hạn chế thấp nhất việc phun thuốc hóa học, thay vào đó là dùng những sản phẩm sinh học, đồng thời mạnh dạn đầu tư mua sắm, máy móc, thiết bị chế biến chè đảm bảo chất lượng...