Cần chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm

09:26, 08/10/2018

Trên địa bàn T.P Thái Nguyên mỗi năm tiêu thụ khoảng 18.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, nhưng số được đóng dấu kiểm dịch là không nhiều. Hiện, trên địa bàn có 15 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, hầu hết các cơ sở đều chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở hoạt động không đảm bảo quy định của Luật Thú y.

Có lần chúng tôi tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn Thành phố. Quan sát quá trình giết mổ gia súc chúng tôi thấy một số thợ thịt không dùng kệ, không trải bạt, mọi thao tác giết mổ đều thực hiện ngay dưới nền đất, thịt gia súc sau khi được lọc ra đưa ngay vào xô, chậu không được cọ rửa. Đó là tại một số cơ sở giết mổ gia súc, còn hiện nay trên địa bàn Thành phố xuất hiện khá nhiều điểm bán thịt lợn ngay ở lề đường, hè phố, sản phẩm thịt thường được treo mác “thịt lợn sạch” hoặc “thịt lợn miền ngược” nhưng không có dấu kiểm dịch.

Tại Công văn số 2443/UBND-CNN ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị thực hiện các nội dung, trong đó: Xóa bỏ các cơ sở giết mổ động vật tạm thời khi các cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhỏ lẻ theo quy hoạch trên địa bàn đã đi vào hoạt động. Vận động người dân thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của cơ quan thú y theo Quy định tại Điều 64 của Luật Thú y năm 2015. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn dẹp bỏ chợ tự phát, các điểm buôn bán sản phẩm động vật ở lề đường, hè phố. Yêu cầu Ban quản lý các chợ không để sản phẩm động vật chûa coá dêëu kiïím soaát giïët möí hoùåc tem vïå sinh thuá y vaâo chúå kinh doanh, buön baán.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là mô hình mang tính xã hội hóa cao, trong đó Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải chung tay thực hiện để đảm bảo trong quá trình giết mổ gia súc, gia cầm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nguồn thịt sau khi giết mổ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tháng 3 - 2018, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của Công ty cổ phần Hương Nguyên Thịnh, ở xóm Đà Tiến, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) đi vào hoạt động. Cơ sở được xây dựng trên diện tích gần 5ha, với quy mô 5 dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm; công suất giết mổ từ 450 đến 500 con gia súc và trên 1.000 con gia cầm mỗi ngày; thiết bị phục vụ cho việc giết mổ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, hệ thống xử lý chất thải được thiết kế đúng theo quy định về bảo vệ môi trường. Cơ sở có tổng kinh phí xây dựng lên tới 38 tỷ đồng và được đánh giá có quy mô lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở chỉ hoạt động đạt 1/10 công suất. Anh Trần Đức Hoàng, nhân viên làm việc tại cơ sở trên chia sẻ: Mỗi ngày, chúng tôi chỉ giết mổ được khoảng 40 đến 50 con lợn, tương đương 10% công suất, còn đối với gia cầm thì hầu như chưa thực hiện giết mổ được vì không có nguồn. Hiện nay, Công ty Hương Nguyên Thịnh mới chỉ ký được hợp đồng với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đầu lợn sau đó mua lại sản phẩm thịt giao cho một số nhà hàng, siêu thị hoặc bếp ăn của các cơ quan chứ chưa ký được hợp đồng giết mổ gia súc, gia cầm với các hộ dân chăn nuôi hoặc cơ sở chăn nuôi.

Trước thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm khó kiểm soát như trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện nay, trong khi cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của Công ty cổ phần Hương Nguyên Thịnh lại hoạt động cầm chừng không hiệu quả, nên chăng các cơ quan chức năng của Thành phố cần sớm chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; tích cực tuyên truyền, vận động người dân đưa gia súc, gia cầm đến cơ sở giết mổ tập trung theo đúng văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh để quá trình giết mổ gia súc, gia cầm  đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo không ô nhiễm môi trường.