Là địa bàn có nhiều loại tài nguyên khoáng sản với trữ lượng lớn, nên hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản ở Đại Từ luôn là vấn đề “nóng”. Nhằm từng bước đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, những năm gần đây, huyện đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Đại Từ là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú được phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý, hiếm, có trữ lượng lớn, như: Vonfram, Titan, Cao lanh, Sắt, Barit,… tập trung chủ yếu ở 19 xã, thị trấn (An Khánh, Cù Vân, Hà Thượng, Tân Thái, Lục Ba, Tân Linh, Phục Linh, Ký Phú, Cát Nê, Khôi Kỳ, Phú Thịnh, Phú Lạc, Đức Lương…)
Trên địa bàn hiện có 23 đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với 34 điểm mỏ. Hiện nay, có 8 điểm mỏ đang hoạt động khai thác, 7 điểm mỏ đang triển khai xây dựng chưa khai thác, 10 điểm mỏ đang tạm dừng hoạt động do giấy phép hết hạn và đang làm thủ tục xin thăm dò bổ sung, mở rộng mỏ, 2 điểm mỏ đang thực hiện giải phóng mặt bằng, 2 điểm mỏ đã thu hồi giấy phép, 5 điểm mỏ được cấp phép thăm dò.
Do nhiều điểm mỏ nằm rải rác, địa hình đồi núi phức tạp, nên có lúc, có nơi vẫn còn hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, thời gian gần đây, huyện Đại Từ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Bằng việc thường xuyên cập nhật và triển khai các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tới các xã, thị trấn, doanh nghiệp và người dân, giúp nâng cao nhận thức, ý thức về chấp hành quy định về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm, huyện đã thực hiện công khai số điện thoại của lãnh đạo UBND huyện, cơ quan chuyên môn đến nhân dân nhằm thu nhận thông tin từ các điểm khai thác. Ngoài ra, tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Thời gian qua, công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản cũng được tăng cường, đặc biệt trong khu vực có hoạt động khoáng sản để không gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, cũng như giữ gìn an ninh, trật tự trong khu vực. Thời gian gần đây, huyện đã thực hiện nhiều hoạt động quyết liệt nhằm chấn chỉnh những những vi phạm trong việc khai thác, nhằm từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nền nếp, như: Đối thoại giải quyết các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân xã Hà Thượng về công tác bảo vệ môi trường Mỏ đa kim Núi Pháo, mỏ thiếc Bismut Tây Núi Pháo của Công ty CP Kim Sơn; thực hiện bảo vệ thi công tại khu vực bãi tập kết số 5 của Công ty CP Đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt; đóng đường dân sinh qua bãi thải Tây - Công ty Than Khánh Hòa, xã An Khánh; giải tỏa các tụ điểm khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép tại các xã: Yên Lãng, Minh Tiến, Tân Linh, An Khánh, Phú Lạc, Lục Ba, Ký Phú, Bình Thuận, thị trấn Hùng Sơn…
Bên cạnh đó, hằng năm, huyện đều xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường tại các điểm khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện. Đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm trong khai thác khoáng sản. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện đã xử phạt 7 vụ vi phạm về khai thác khoáng sản, bằng 140% so với cùng kỳ năm 2017 với số tiền xử phạt là 185 triệu đồng; tịch thu hàng hóa có tổng giá trị trên 114 triệu đồng…
Từ sự quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã từng bước đi vào hoạt động nền nếp, các khu vực quy hoạch khoáng sản trên địa bàn được tăng cường quản lý chặt chẽ từ cơ sở, các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép kịp thời được đình chỉ, giải tỏa ngay từ khi mới xảy ra, không còn để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản cũng được tăng cường quản lý, các khu vực khai thác khoáng sản có nguy cơ ô nhiễm môi trường đã được kiểm tra, giám sát và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Quan trọng hơn, nhận thức về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân được nâng lên, bước đầu huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, ngành trong công tác bảo vệ môi trường.