Dồn điền đổi thửa ở Phú Bình - mô hình bước đầu đạt hiệu qủa tích cực

18:44, 02/10/2018

Xác định dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là động lực thúc đẩy ngành Nông nghiệp địa phương phát triển, tăng thu nhập cho nông dân, thời gian qua, huyện Phú Bình đã tập trung thực hiện DĐĐT. Bởi DDĐT sẽ giúp cho người nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm sức lao động, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác…

Những ngày trung tuần tháng 9, thời điểm lúa mùa sớm bắt đầu chín và cho thu hoạch, chúng tôi có dịp đến thăm các xã Xuân Phương, Úc Kỳ, Tân Đức, 3 địa phương được huyện Phú Bình chọn làm điểm triển khai Dự án DĐĐT xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Điều gây ấn tượng nhất cho chúng tôi là hình ảnh những thửa ruộng vuông vắn, hệ thống mương máng, đường nội đồng được quy hoạch khoa học. Trước mắt chúng tôi một màu lúa chín rộ trải rộng như tấm thảm vàng. Bà con nông dân cho biết, từ khi dồn điền đổi ruộng đã tạo nên cánh đồng lớn, người dân dễ dàng áp dụng quy chế 3 cùng: cùng giống, cùng thời gian, cùng kỹ thuật chăm sóc.

Ông Giáp Văn Vinh, một trong những hộ dân ở xóm Ngoài, xã Tân Đức tham gia Dự án DĐĐT, chia sẻ: Toàn bộ cánh đồng lúa của xóm tôi rộng 14ha, khoảng hơn 1 tuần nữa sẽ thu hoạch lúa mùa. Trước đây, gia đình tôi có 3 sào ruộng nhưng lại cách xa nhau gần 100m nên rất bất tiện. Không chỉ gặp khó trong lúc gieo cấy, vận chuyển phân bón, gánh mạ ra ruộng mà khi thu hoạch phải gặt bằng tay lại mất thêm công thuê máy tuốt lúa. Khi nghe địa phương triển khai việc dồn đổi đất ruộng, chúng tôi rất vui mừng nhưng lại băn khoăn nhỡ đâu việc phân chia ruộng đất không công bằng, đất tốt xấu khác nhau (?!)… Nhưng sau khi chúng tôi được tuyên truyền, giải thích nên hiểu được đây là chủ trương lớn, là việc mà chưa có địa phương nào trong tỉnh làm được nên chúng tôi đã nhiệt tình hưởng ứng. Trong quá trình triển khai, các cán bộ, đảng viên luôn tiên phong gương mẫu, nhận phần đất xấu hơn, đảm bảo công khai, minh bạch nên việc dồn đổi ruộng nhanh chóng hoàn thành…

 Cùng xóm với ông Vinh, chị Phạm Thị Hồng Nhung phấn khởi: Vụ xuân vừa qua, nhà tôi và 6 hộ dân khác được tham gia chương trình thử nghiệm cấy lúa bằng máy cấy cầm tay, gieo cùng 1 giống lúa GS9, áp dụng cùng kỹ thuật chăm sóc nên lúa chín cùng thời điểm, chúng tôi thuê máy gặt, chỉ trong hơn 1 ngày là xong cả cánh đồng. Năng suất vụ đó cao hơn hẳn mọi năm, đạt gần 3 tạ/sào, những vụ trước dù cùng giống nhưng chỉ đạt khoảng 2,2 tạ/sào.

Cũng như người dân xã Tân Đức, người dân xã Úc Kỳ, Xuân Phương phấn khởi khi bắt tay vào canh tác trên những “mảnh đất mới”. Không còn tình trạng đồng ruộng manh mún, hệ thống kênh, mương được tu bổ, sửa chữa, xây mới; đường nội đồng được chỉnh trang mở rộng lên 3m, đảm bảo cho xe ô tô vào tận nơi. Ông Dương Đình Thoa, Trưởng xóm Thắng Lợi, xã Xuân Phương, cho biết: DĐĐT là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho người dân được sản xuất thuận lợi hơn. Bắt đầu vụ xuân 2018, toàn xã tôi có 67/91ha diện tích đồng ruộng được chỉnh trang, trong đó bao gồm 10ha của xóm Thắng Lợi. Vì tất cả người dân trong xóm đều ủng hộ ngay từ đầu nên công tác đo đạc, dồn đổi nhanh chóng được thực hiện, phía đơn vị thi công gấp rút đào mương, đắp đường nội đồng, kịp thời để chúng tôi gieo cấy đúng khung thời vụ. Canh tác trên các ô, thửa lớn nên nông dân thống nhất lựa chọn cùng một giống lúa, cùng gieo trồng và thu hoạch đồng loạt giúp tiết kiệm công sức, tiền của. Nếu như trước kia, mỗi hộ trong thôn có từ 7 đến 8 thửa ruộng nằm rải rác thì nay đã quy lại thành 1-3 thửa. So với trước, việc dùng máy móc khiến thời gian gieo cấy, cày bừa, gặt được rút ngắn 1 nửa; nếu thuê người làm thì gần 200 nghìn đồng/công/sào, còn dùng máy cày bừa, máy gặt công suất lớn chỉ mất khoảng 120 -130 nghìn đồng/sào.

Có thể thấy người dân nơi đây đã bắt đầu hưởng những lợi ích từ việc DĐĐT, không chỉ về kinh tế mà đó còn là sự thay đổi về phương thức sản xuất, hình thành lên vùng sản xuất tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất; giúp người dân đưa cơ giới hóa, tạo thành khâu khép kín trong sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn huyện, số diện tích đã dồn điền tại 3 địa phương trên là 136/226ha (đạt 60% kế hoạch); làm được gần 33km đường giao thông nội đồng, bờ vùng bờ thửa; 50km kênh tưới, kênh thủy lợi nội đồng; san gạt, tạo độ bằng phẳng cho khoảng 136ha đất…

Sau khi thực hiện DĐĐT, vụ xuân năm 2018, xã Tân Đức đã phối hợp với Công ty Quế Lâm tổ chức sản xuất 50ha lúa hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao; người dân các địa phương đều áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó năng suất lúa đạt 60,5 tạ/ha (tăng 5,5tạ/ha); giá trị sản xuất tăng 41,7 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất sau dồn điền đổi thửa đạt 139 triệu đồng/ha; giảm chi phí đầu vào và tiết kiệm 50% giống, giảm chi phí khâu làm đất và khâu thu hoạch từ 2,5 đến 2,7 triệu đồng/ha…

Những kết quả mà huyện Phú Bình đạt được cho thấy nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý Đảng và lòng dân thì việc khó khăn mấy cũng có thể thực hiện thành công. Đó không chỉ là tiền đề, tạo động lực để chính quyền và người dân  trên địa bàn tiếp tục triển khai Dự án DĐĐT ở quy mô lớn hơn, mà còn là bài học cho các địa phương khác trong tỉnh học tập và nhân rộng, góp phần hoàn thành mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, DĐĐT 1.000ha đất nông nghiệp.