Gắn kết doanh nghiệp chưa như kỳ vọng

15:28, 04/10/2018

Tổng kết qua 30 năm thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chúng ta nhận thấy, các doanh nghiệp (DN) vốn FDI đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế trong nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo… Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực DN vốn FDI với khu vực DN trong nước để cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn đạt thấp.

Chúng ta đều biết, những năm gần đây, tỷ lệ các DN vốn FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Đó là tín hiệu mừng đối với nền kinh tế của một nước đang phát triển. Nhưng theo các nhà phân tích thì DN vốn FDI vẫn chỉ là thứ yếu, vai trò quyết định nền kinh tế phụ thuộc chính vào các DN trong nước. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, khu vực vốn FDI chỉ chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy vậy, nếu có sự phát triển hài hòa, trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực nước ngoài và nội địa thì chắc chắn nền kinh tế nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Đáng tiếc là sự liên kết chuỗi giá trị giữa hai khu vực này còn lỏng lẻo.

Chẳng nói đâu xa, ngay như tại tỉnh ta, từ ngày Tập đoàn Samsung có mặt và cho ra các sản phẩm hoàn chỉnh, gồm máy tính bảng, điện thoại thông minh thì gần như chưa có một nhà sản xuất nào của tỉnh tham gia được vào chuỗi cung ứng linh kiện cho Tập đoàn này. Các nhà quan sát cho rằng, không chỉ có sản phẩm điện tử mà ngay cả ghế ngồi, bàn ăn, đồ nội thất sử dụng trong văn phòng của Samsung Thái Nguyên cũng cơ bản được nhập từ Hàn Quốc. Phía Samsung Việt Nam cho rằng, phần lớn các nhà cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung đều đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... Số doanh nghiệp trong nước gần đây đã tăng lên nhưng vẫn còn rất hạn chế. Được biết, yêu cầu để trở thành nhà cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung rất khắt khe. Trong khi nhiều điều khoản đưa ra không được doanh nghiệp sở tại chú ý nên khó đáp ứng, trong đó có vấn đề về sở hữu trí tuệ, đạo đức kinh doanh… Mặt khác, Samsung đòi hỏi chất lượng sản phẩm cung cấp rất cao, tới mức không dễ để nhà sản xuất trong nước đáp ứng được.

Do đó, để DN nội tham gia chuỗi giá trị cùng với DN vốn FDI rất cần sự can thiệp của Nhà nước trong vai trò tạo điều kiện thuận lợi để DN trong nước phát triển và sự nỗ lực của các DN. Thực tế cho thấy, khi cộng đồng DN trong nước phát triển và có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn, trình độ của DN vốn FDI thì tự khắc các DN sẽ liên kết được với nhau. 

Với Thái Nguyên, các chuyên gia khẳng định, nếu địa phương muốn các DN vốn FDI (nhất là Tập đoàn Samsung) thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, phải đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất hoàn chỉnh của các DN này. Ngoài việc tạo thuận lợi để DN vốn FDI tìm kiếm đối tác cung cấp linh, phụ kiện nhằm giảm bớt chi phí, tạo nền tảng vững chắc phát triển lâu dài, các DN nội, nhất là DN trong tỉnh cần chủ động đặt vấn đề với DN vốn FDI để tạo ra cơ hội cho mình.  

Hiện nay, có quan điểm cho rằng, DN vốn FDI giống như con ong mật. Khi nó đi hút mật, ngoài việc duy trì sinh tồn bản thân, còn làm thêm động tác thụ phấn cho hoa kết trái. Và sau khi kiếm đủ mật, ong quay về tổ và lần khác sẽ tìm vườn hoa mới hơn. Do đó, chúng ta cũng cần nghĩ tới việc tạo môi trường và cơ chế chính sách tốt nhất khuyến khích các DN nội địa mua lại các DN vốn FDI khi có điều kiện. Điều này sẽ giúp các DN trong nước có được công nghệ mới, tiên tiến để tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng, làm lợi cho chính bản thân DN và cho cả kinh tế.