Thời gian qua, hội viên phụ nữ đã xây dựng được nhiều mô hình thực phẩm sạch, không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho gia đình, mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với vùng nông thôn, công việc đồng áng và nội trợ chủ yếu do chị em phữ nữ đảm nhiệm. Chính vì vậy khi lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình hoặc kết nối tổ hợp tác về tín dụng hỗ trợ sản xuất, tổ khuyến nông…để giải “bài toán” nuôi con gì, trồng cây gì, làm thế nào và bán cho ai, thì hầu hết chị em là người trực tiếp giải đáp.
Đồng chí Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: Hàng năm, Hội triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế lồng ghép, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp thông qua hộ và nhóm hộ gia đình, trong đó hội viên phụ nữ đóng vai trò nàng cốt. Tuy nhiên, tính chất liên kết và tạo ra chuỗi kinh doanh, vùng hàng hóa tập trung, cũng như xây dựng thương hiệu có tính cạnh tranh cao trên thị trường còn nhiều hạn chế. Sau nhiều năm triển khai thực hiện các mô hình điểm về phát triển kinh tế, các cấp Hội đã xác định lựa chọn hướng đi có trọng tâm, trọng điểm như trong thời gian gần đây, khi triển khai các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm, Hội đã lựa chọn hướng đi sản xuất nông sản an toàn.
Với phương châm ưu tiên phục vụ tại chỗ trước, tiếp đến là các trường học và từng bước nhân rộng theo chuỗi liên kết, nên các mô hình từng bước được mở rộng và phát triển bền vững. Nếu như những năm 2013-2015, toàn tỉnh chỉ có 4-5 mô hình điểm và hoạt động khó khăn vì không thể cạnh tranh trên thị trường, thì đến nay đã có 14 mô hình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do phụ nữ thực hiện, thành lập 26 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi; thành lập và hỗ trợ hoạt động 7 hợp tác xã; thành lập 40 câu lạc bộ phụ nữ về an toàn thực phẩm. Song song với chương trình vận động, hướng dẫn kỹ thuật, hàng năm, Hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, ký liên tịch tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng số vốn do Hội quản lý đạt gần 3.000 tỷ đồng cho gần 80.000 hội viên vay.
Năm nay, Hội đã chỉ đạo xây dựng và thành lập mô hình thí điểm “Vườn nông nghiệp an toàn gắn với gia đình 5 không 3 sạch” tại xóm Đồng Tiến (xã La Bằng - huyện Đại Từ). Đây là mô hình dựa trên những thành công từ các hộ, nhóm liên kết sản xuất nông sản an toàn giai đoạn 2016-2017, hỗ trợ hộ gia đình thiết kế, chỉnh trang lại vườn, ao, chuồng, cải tạo các công trình hợp vệ sinh và cảnh quan môi trường, thực hiện phân loại, xử lý rác sinh hoạt; hướng dẫn áp dụng công nghệ sinh học cho cây trồng, vật nuôi nhằm sản xuất ra sản phẩm theo hướng hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện 8 tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và người dân về nông nghiệp an toàn. Đồng thời, đây cũng là hoạt động trọng tâm, góp phần thực hiện xóm nông thôn mới kiểu mẫu và hộ gia đình nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên.
Chị Dương Thị Hải Yến, Giám đốc HTX Thái An Gia (T.PThái Nguyên) cho biết: Đầu năm 2018, khi Nghị định của Chinh phủ có hiệu lực quy định các điều kiện, chế tài về an toàn thực phẩm, thông qua các chương trình sản xuất nông sản an toàn của Hội, HTX đã liên kết các vùng sản xuất để tạo ra chuỗi kết nối cung cầu, vừa bảo đảm ổn định đầu ra, vừa khuyến khích sản xuất và bảo đảm rõ nguồn gốc sản phẩm cũng như tính pháp lý về mức độ an toàn theo kiểm định của cơ quan chức năng. Sau khi hoàn thiện chuỗi kết nối, HTX đã nhận được hàng chục hợp đồng bao tiêu sản phẩm, như: Công ty cổ phẩn TNG Thái Nguyên; trên 20 trường học tại các địa phương trong tỉnh... Các vùng nông sản truyền thống miền núi như Định hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Túc Duyên – T.PThái Nguyên được kết nối và đánh thức tiềm năng. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 tấn nông sản được tiêu thụ ổn định. Riêng trong tháng 10-2018, HTX đã có trên 2 tấn nông sản an toàn đến với các bếp ăn tập thể, đồng thời nhận thêm 4 hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ 4-5 tấn nông sản/tháng.
Còn chị Hoàng Thị Tân, hội viên phụ nữ xã Động Đạt (Phú Lương) là một trong hội viên Tổ hợp tác Rau an toàn VietGAP xóm Ao Sen phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, việc trồng rau theo phương thức cũ, năng suất không cao lại nhiều sâu bệnh. Sau khi tham gia lớp tập huấn sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức, tháng 7-2017, các hội viên đã áp dụng máy xới đất di động thay cho việc cuốc đất, tưới rau bằng nước giếng khoan, không dùng nước sông. Rau gieo trồng mật độ thích hợp, cân đối phân bón, ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học trị sâu bệnh. Nhờ vậy, rau đạt chất lượng và năng suất cao, an toàn cho người tiêu dùng, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho nhiều đối tượng khách hàng, thậm chí dịp cuối năm khách hàng từ các siêu thị ở Hà Nội đến liên hệ đặt mua rau của Tổ hợp tác... Với diện tích gần 3ha, sản lượng gần 200 tấn/năm, thu nhập đạt giá trị cao gấp 3 lần so với cấy lúa”.
Chúng tôi hy vọng, những thành công này sẽ tạo sức lan tỏa sâu rộng và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ.