Làm giàu từ mô hình “VACR”

11:01, 30/10/2018

Với hơn 6ha đất rừng, 3ha đất vườn tạp và gần 1,3ha mặt nước, gia đình anh Nguyễn Văn Hà, thôn Nà Trú, xã Linh Thông (Định Hóa) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp “vườn - ao - chuồng - rừng” (VACR). Từ mô hình này, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 400 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh đã từng bước vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những hộ nông dân điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.

Trước đây, gia đình anh Hà cũng giống như bao gia đình thuần nông khác ở xã miền núi Linh Thông, quanh năm bám nương, bám rẫy nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Năm 2005 khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng, nhận thấy đây là cơ hội không thể bỏ lỡ, vợ chồng anh bàn với nhau nhận giao khoán hơn 6ha đất rừng sản xuất. Sau khi tìm hiểu, thăm quan, học hỏi kinh nghiệm từ những xã lân cận, anh Hà thấy rằng cây keo lai vừa phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương lại vừa tốn ít chi phí đầu tư chăm sóc. Từ đó, anh quyết định trồng toàn bộ cây keo lai trên diện tích đất rừng được giao khoán của gia đình mình.

 Những ngày đầu mới bắt tay vào trồng rừng, anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Cây keo lai sau khi trồng bị chết nhiều bởi đất đai cằn cỗi lại không được chăm sóc đúng cách. Nhưng anh không nản chí, anh tieps tục học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật, đất không phụ công người, chỉ sau một thời gian ngắn những đồi keo lai đã vươn lên xanh tốt. Theo tính toán của anh, phải mất ít nhất 7 năm cây keo lai mới cho thu hoạch, chính vì vậy, cần phải thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Với suy nghĩ đó, năm 2006, anh đã quyết định vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 40 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh chỉ chăn nuôi vài con lợn thịt, rồi tích góp dần dần, anh đầu tư nuôi thêm 10 con lợn nái để chủ động nguồn lợn giống và cung cấp con giống cho các hộ có nhu cầu. Cứ thế, vừa làm anh vừa tích lũy kinh nghiệm. Đến cuối năm 2012, sau khi lứa keo lai đầu tiên cho thu hoạch mang về nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng.

Anh Hà đã quyết định dùng số tiền đó đầu tư xây dựng thêm 2 khu chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đàn lợn thịt của gia đình anh được tăng từ 20 con/lứa lên 50 con/lứa và hiện nay là 100 con/lứa. Cùng với đó, anh tiếp tục duy trì 10 con lợn nái để chủ động nguồn giống và nuôi thêm 20 con lợn rừng/lứa. Để có kinh nghiệm chăn nuôi, anh thường xuyên lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại lợn ở những địa phương lân cận. Ngoài ra, anh còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự tìm tòi, nghiên cứu phương pháp chọn giống, phòng, điều trị bệnh cho đàn lợn thông qua sách báo, truyền hình và tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Trạm Khuyên nông huyện tổ chức tại địa phương.

Nhờ tích cực học hỏi, tích lũy kiến thức và đầu tư chăn nuôi một cách khoa học, bài bản nên vài năm trở lại đây, mặc dù, hầu hết các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn đều gặp phải khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, trang trại lợn của gia đình anh vẫn duy trì ổn định và cho thu nhập cao. Trung bình mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường khoảng 30 tấn thịt lợn hơi. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 250 triệu đồng.

Tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, năm 2013, anh Hà quyết định đầu tư đào ao để thả cá. Với gần 1,3ha mặt nước, anh chia thành 3 ao nuôi các loại cá thịt như: Chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính và cá chim… Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch 2 lứa cá với khoảng trên 2 tấn cá các loại/năm. Với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ ao nuôi cá.

Thời gian gần đây, nhận thấy diện tích vườn của gia đình bỏ hoang lãng phí, anh đã cải tạo hơn 3ha vườn tạp của gia đình để trồng các loại cây ăn quả như: Nhãn, ổi, na, hồng, bưởi Diễn… Nhờ có nguồn nước tưới dồi dào được bơm lên từ các ao nuôi cá nên vườn cây ăn quả của gia đình anh phát triển xanh tốt và hiện nay đã bắt đầu cho thu hoạch.

Khi được hỏi về kinh nghiệm làm ăn, anh Hà vui vẻ chia sẻ: Ở nông thôn, có diện tích đất rộng là một nguồn lực quan trọng nhưng không phải là tất cả. Muốn làm giàu, cần phải chịu khó học hỏi để tìm cây, con phù hợp với đồng đất quê mình. Điều quan trọng nữa là phải biết đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi vì nếu chuyên một cây, con nào đó thì khi bất ngờ xảy ra dịch bệnh hoặc thay đổi về thị trường, người nông dân sẽ rất khó xoay sở…

Với tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên trong sản xuất, sau hơn 10 năm kiên trì và nỗ lực không biết mệt mỏi, anh Nguyễn Văn Hà đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp VACR đem lại hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững. Theo hạch toán của anh, trung bình mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 400 triệu đồng. Không chỉ lo phát triển kinh tế của gia đình, anh Hà còn tích cực giúp đỡ, chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nhân dân trong xã.