Nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều dự án đầu tư vào tỉnh

18:14, 08/10/2018

Những năm qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (viết tắt là BQL) không chỉ tập trung nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn về hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) mà còn linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng KCN. 

Rút ngắn thời gian nhờ cơ chế “một cửa, tại chỗ”

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN với tổng diện tích 1.420ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung, gồm KCN Điềm Thụy (350ha), Quyết Thắng (105ha), Yên Bình (400ha), Nam Phổ Yên (120ha), Sông Công I (195ha) và Sông Công II (250ha).

Nhằm tạo ấn tượng mạnh mẽ với các nhà đầu tư ngay từ khâu tiếp xúc ban đầu, thời gian qua, BQL đã tích cực cải cách các thủ tục hành chính, tạo chính sách thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. BQL luôn coi trọng thực hiện tốt cơ chế “một cửa, tại chỗ” giúp nhà đầu tư giải quyết các thủ tục nhanh chóng, tiện lợi, như: Cấp và điều chỉnh giấy phép đầu tư; cấp và gia hạn giấy phép lao động; cung ứng lao động, giải quyết tranh chấp lao động...

Trao đổi với chúng tôi, ông Ham Sang Hun, Giám đốc Công ty Emtec Vina TN CO.LTD (ở KCN Điềm Thụy), cho biết: Thông qua đơn vị đầu mối là Bộ phận “một cửa, tại chỗ”, doanh nghiệp (DN) không phải đến gặp trực tiếp các sở, ngành liên quan như trước nữa, nên đã tiết kiệm được thời gian giải quyết các hồ sơ hành chính. Hơn nữa, chúng tôi đánh giá cao nguyên tắc công khai về thủ tục, phí và lệ phí của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. BQL đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết, quản lý hồ sơ thông qua mạng máy tính nội bộ; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục so với quy định để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, BQL còn thường xuyên tổ chức tọa đàm, đối thoại với các chủ DN FDI để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tháo gỡ khó khăn mà DN đang gặp phải; khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng các KCN; đôn đốc, nhắc nhở các DN chậm tiến độ và thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, giúp đảm bảo hoạt động sản xuất và môi trường sống tại các KCN.

Linh hoạt, sáng tạo trong phát triển hạ tầng

Không chỉ làm tốt vai trò quản lý Nhà nước đối với các KCN, thời gian qua, BQL còn vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách tài chính để phát triển hạ tầng KCN. Cụ thể, năm 2011, khi BQL được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư hạ tầng Dự án KCN Điềm Thụy - phần diện tích 180ha (nay là khu A) với tổng mức đầu tư 1.417 tỷ đồng và các dự án phụ trợ khác kiên quan. Thời điểm triển khai Dự án, với nguồn kinh phí được cấp là 2,4 tỷ đồng là thách thức rất lớn để bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng kết cấu hạ tầng KCN.

Trước tình hình đó, BQL đã chủ động nghiên cứu, phân tích và mạnh dạn đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cho phép sử dụng toàn bộ tiền ứng trước thuê đất có hạ tầng 1 lần (50 năm) của nhà đầu tư thứ cấp để tập trung GPMB và xây dựng hạ tầng (thay vì tiền thuê đất hằng năm theo quy định của pháp luật). Sau khi được tỉnh chấp thuận cơ chế (năm 2013), với sự linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện vận dụng cơ chế để đàm phán, vận động và thuyết phục nhà đầu tư đồng ý ký thỏa thuận cam kết thực hiện, bước đầu thu được kết quả tích cực.

Điển hình như Công ty ALuko - Hàn Quốc là đơn vị thuê lại đất thực hiện Dự án tại KCN Điềm Thụy, đại diện đơn vị cho hay: Ban lãnh đạo của Công ty nhất trí và thống nhất cao với cơ chế, chính sách tài chính mà BQL đưa ra, bởi điều này sẽ giúp nhà đầu tư sớm có mặt bằng và hạ tầng để thực hiện các dự án của mình.

Tìm hiểu cụ thể, chúng tôi được biết, ngay trong năm 2013, BQL đã vận động được 10 nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất để BQL thực hiện công tác bồi thường GPMB. Đến nay, BQL đã thực hiện xong bồi thường GPMB cho 180ha đất công nghiệp, 13ha đất khu tái định cư và xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại,… đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư và bà con nhân dân trong vùng dự án. Đặc biệt, hiệu quả của sự thu hút đầu tư vào KCN Điềm Thụy A còn cho thấy rõ rệt, khi tỷ lệ lấp đầy đạt 100% (77 dự án); số vốn đăng ký kinh doanh FDI tăng từ 11 triệu USD lên 989 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm nay đạt 511,8 tỷ đồng.

Ông Phan Mạnh Cường, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: Từ việc thực hiện thành công KCN Điềm Thụy A, để cơ chế “vận dụng ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm” phát huy hiệu quả, tháng 3-2017, BQL tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II (250ha). Trong đó nêu rõ, nguồn vốn thực hiện là nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng. Theo đó, đến nay, BQL đã phối hợp với T.P Sông Công thực hiện hoàn thành 5 đợt chi trả tiền bồi thường GPMB cho nhân dân được 50ha đất công nghiệp; đồng thời GPMB 12ha đường 36m và 10ha đất tái định... Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện dự án.

Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với KCN, cộng với sự sáng tạo, đột phá trong việc vận dụng cơ chế, chính sách tài chính phát triển kết cấu hạ tầng KCN, từ năm 2013 trở lại đây, việc thu hút đầu tư đã có bước cải thiện vượt bậc, phát triển nhanh và bền vững. Từ đầu năm 2018 đến nay, các KCN đã thu hút mới 15 dự án, nâng tổng số dự án lên 193 dự án, trong đó, có 101 dự án trong nước và 92 dự án FDI. Tính đến nay, tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trong nước là trên 15 nghìn tỷ đồng, giải ngân vốn đạt trên 8 nghìn tỷ đồng (bằng 54,7%); tổng vốn đăng ký của các dự án FDI là 7.112 triệu USD, giải ngân vốn đạt 6.849 triệu USD (bằng 96,3%). Các dự án hoạt động có hiệu quả, trong 9 tháng thu nộp ngân sách 4.819 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 110.000 người lao động với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.