Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm

07:32, 06/10/2018

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình đã phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, không ngừng học hỏi, sáng tạo, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.  

Chúng tôi đến xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương, gặp anh Dương Đình Hiệp (sinh năm 1972), người vừa đoạt giải Nhất trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Hội Nông dân tỉnh tổ chức năm 2017-2018 với sáng chế “Cải tiến máy bào thêm chức năng cắt mộng gỗ”. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hiệp cho hay: Tôi rất bất ngờ khi lại đoạt giải cao như vậy bởi chiếc máy này tôi đã chế tác và sử dụng được hơn chục năm nay. Cũng nhờ có sự quan tâm, động viên, hướng dẫn kịp thời của Hội Nông dân địa phương mà tôi đã nhanh chóng hoàn tất hồ sơ theo quy định để gửi lên tỉnh tham gia Hội thi.

Nói về việc cải tiến, thêm “công năng” cho máy bào, anh Hiệp chia sẻ: Làm mộc mỹ nghệ là nghề rất vất vả, đòi hỏi phải kiên trì, khéo léo. Trước kia, khi chưa có máy móc, mọi công đoạn đều làm thủ công, từ cắt, đục, bào… tốn rất nhiều công sức, thời gian. Đối với một sản phẩm đồ gỗ, để đánh giá chất lượng, ngoài việc đẹp hình thức (bề mặt nhẵn mịn, lớp sơn bóng) thì sản phẩm phải bền chắc, mà điều này lại phụ thuộc vào công đoạn phay đục tạo mộng và lắp ghép thành phẩm. Trong khi đó, công đoạn phay đục tạo mộng rất khó, phải dùng tay để cưa, do vậy sản phẩm không nhẵn, độ chính không cao, lại mất nhiều thời gian và nhân công lao động. Từ những khó khăn này, tôi luôn trăn trở phải tìm ra phương pháp để khắc phục. Cho đến khi tôi mua được máy bào gỗ, tôi đã nảy sinh ra ý tưởng cải tiến máy bằng việc thêm chức năng cắt tạo mộng mòi, mộng vuông thay thế thao tác gia công bằng tay. Bằng những vật liệu đơn giản tận dụng được, sau nhiều lần lắp, thay thế vật liệu, cuối cùng tôi cũng đã thành công…May có thiết kế, trên máy bào, tôi lắp thêm 1 thanh inox hộp vuông vào mép của máy và để 1 khe nhỏ song song để lắp vừa thanh trượt đã được lắp trên tấm phíp, mặt trên có gắn 2 thanh gỗ, mỗi thanh kích thước 60cm  x 3cm, một đầu được gắn cố định vào một mép của tấm gỗ, đầu còn lại có thể di chuyển được tùy theo mộng định cắt và cố định với tấm gỗ bằng vam sắt…

Theo anh Hiệp, từ khi có chiếc máy này, anh không còn phải thuê thêm nhân công, việc gia công các chi tiết trở nên đơn giản nhanh gọn, sản phẩm làm ra tinh xảo, chất lượng hơn, từ đó nhiều khách hàng tin tưởng và đặt hàng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hiện nay, xưởng mộc mỹ nghệ của gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và nhiều lao động thời vụ khác với mức lương từ 4 -8 triệu đồng/tháng, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.

Còn với anh Nguyễn Văn Trãi, xóm Điềm Thụy, xã Điềm Thụy, dù không trải qua trường lớp đào tạo về cơ khí nhưng từ những khó khăn trong thực tiễn sản xuất, anh Trãi đã mày mò sáng tạo ra 2 sản phẩm: Máy duỗi sắt dùng cho nghề đan lồng sắt và quạt tự chế phục vụ hoạt động sản xuất. Trước đây, cả làng Điềm Thụy là vựa rau lớn, người dân thường dùng lồng đan bằng tre, nứa để đựng rau, nhưng chất liệu này nhanh hỏng, phải thay thế rất tốn kém. Do vậy, anh Trãi đã nghĩ ra việc đan các thanh sắt lại tạo thành các lồng, sọt. Dần dần, người dân các địa phương tìm đến đặt mua và nghề đan lồng sắt, lưới sắt gắn bó phát triển với gia đình anh Trãi từ đó đến nay. Hiện anh đã gây dựng được 30 cơ sở sản xuất lồng sắt, lưới sắt trên địa bàn huyện, tạo việc làm cho 90 lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Trãi, trong quá trình sản xuất anh gặp rất nhiều khó khăn. Nếu mua sắt mới về làm nguyên liệu thì giá thành sản phẩm sẽ rất cao, nên anh Trãi đã tìm đến nguồn sắt phế liệu thu mua lõi chống dãn của dây cao thế. Tuy nhiên, phần phế liệu này có những đoạn bị xoắn, cong, không tận dụng được. Dần dà mày mò nghiên cứu, sau nhiều lần lắp đặt thử nghiệm, đến năm 2010, anh Trãi đã chế tạo ra chiếc máy duỗi sắt phục vụ cho xưởng sản xuất của gia đình. Thời điểm đó, chiếc máy này mới chỉ có bộ phận nắn sắt nên khi vận hành vẫn phải có một người đẩy và một người rút sắt. Đến năm 2016, anh Trãi chế tác thêm bộ phận kéo rút sắt, nên khi vận hành máy sẽ chỉ cần 1 người làm, các dây sắt bị xoắn sẽ được chạy qua 2 bộ phận nắn sắt và kéo sắt, thành phẩm là những sợi sắt thẳng, dài. Do tận dụng sắt phế liệu nên tiết kiệm từ 10-11 nghìn đồng/kg, với công suất 1-1,2 tạ sắt/ngày, trung bình mỗi tháng gia đình anh đã thu lãi khoảng 15-20 triệu đồng… Ngoài ra, anh Trãi cũng chế tạo ra chiếc quạt “công nghiệp” để sử dụng trong nhà xưởng của gia đình. Với thiết kế đơn giản: động cơ tận dụng từ máy giặt cũ, khung đỡ hộp vuông đan từ dây sắt; cánh quạt cơ,… nên dễ dàng di chuyển, lượng gió nhiều, tiết kiệm điện năng, độ bền cao. Với những ưu điểm trên, một số người dân xung quanh đã đặt hàng để lắp đặt trong nhà xưởng, trang trại chăn nuôi… Với giá bán ra thị trường khoảng trên 1 triệu đồng/chiếc, sau khi trừ chi phí vật liệu và công lao động, anh Trãi thu lãi được 100.000 đồng/chiếc. Anh Trãi tâm sự: Trong thời đại thị trường cạnh tranh khốc liệt, người nông dân như chúng tôi phải tích cực học hỏi, chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, có như vậy mới không bị tụt lùi.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những tấm gương nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện có những sáng kiến hay áp dụng vào thực tế. Theo bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình: Những người vốn “sinh ra từ làng”, có những người chỉ vừa học hết THCS, THPT, họ chưa biết nhiều về khoa học hiện đại nhưng bằng sự đam mê với nghề, sự nỗ lực vươn lên mà nay họ chủ động, sáng tạo tìm ra cách làm mới, chế tạo ra máy móc nhằm đem lại lợi ích cho nhà nông. Thông qua hoạt động thực tế tại cơ sở, hàng năm, chúng tôi đều phát hiện ra các cá nhân tiêu biểu trong lao động, sản xuất, từ đó định hướng, khuyến khích, động viên kịp thời. Thời gian tới, huyện Hội sẽ tiếp tục khuyến khích các hội viên, nông dân trên địa bàn tích cực lao động, sáng tạo, thi đua, vươn lên làm giàu chính đáng, góp công sức vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời chúng tôi cũng mong Nhà nước, các chuyên gia sẽ có những định hướng, hỗ trợ nhằm giúp các nhà sáng chế của nông dân tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình, nhân rộng vào thực tế.