Ông Đinh Văn Quyền, hội viên Chi hội Nông dân xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) là một những nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Từ trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Với quỹ đất rộng hơn 8ha, những năm qua, ông Đinh Văn Quyền đã dày công cải tạo, quy hoạch để có được trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng. Trang trại của gia đình ông được quy hoạch quy củ, cách biệt với khu dân cư, có đường đi lại thuận tiện. Trên 3ha được ông trồng mía, thanh long ruột đỏ và bưởi Diễn, mỗi năm thu về hơn 600 triệu đồng; 3 ao nuôi cá có tổng diện tích 1,8ha, mỗi năm thu hoạch 10 tấn cá rô phi, 6 tấn cá chim và trên 1 tấn các loại cá khác (trôi, chép, mè), thêm nguồn thu khoảng 400 triệu đồng; khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, gồm hơn 300 con gà mái đẻ giống Ai cập (cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm) và 13 con bò lai sind sinh sản. Diện tích đất trống ở giữa khu vực ao với khu chăn nuôi, ông tận dụng trồng cỏ Voi phục vụ chăn nuôi nhằm giảm chi phí. Ngoài ra, ông còn trồng 2,5ha keo đã được 3 năm tuổi.
Ông Đinh Văn Quyền chia sẻ: Để có được kết quả như hôm nay, vợ chồng tôi đã phải vất vả gây dựng gần 30 năm nay. Bắt đầu, từ năm 1990, gia đình tôi di chuyển từ xã Yên Đổ về xóm Đồng Tâm mua đất làm nhà và trồng ngô, khoai sắn, lạc, chăn nuôi lợn. Đến năm 2000, vợ chồng tôi thuê thêm đất của Lâm trường để trồng rừng. Sau khi Lâm trường thu hồi lại đất, gia đình lại gom góp tiền mua lại đất của một số hộ dân trong khu vực. Mỗi năm mua một ít, đến nay, gia đình tôi đã có hơn 8ha đất vườn, rừng để làm trang trại. Để có được khu đất rộng, phẳng phiu trồng mía và các loại cây ăn quả, vợ chồng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để san gạt và cải tạo lại đất.
Điều chúng tôi cảm thấy ấn tượng không chỉ ở diện tích khu trang trại rộng rãi, đuộc bố trí khoa học, mà còn cả phương thức chăn nuôi hữu cơ khép kín. Việc bón lót cho cây mía, thanh long, chuối được gia đình sử dụng hoàn toàn bằng phân gà, phân bò. Thức ăn cho gà là thân cây chuối trộn với cám ngô, cám gạo. Còn thức ăn cho bò là lá mía, cỏ Voi trồng được trong vườn. Thức ăn cho cá là cám ngô, lá chuối trồng được ở vườn, phân bò ủ kỹ.
Đối với nhiều hộ sản xuất nông nghiệp, đầu ra cho sản phẩm vẫn là nỗi lo luôn thường trực, thế nhưng, đối với gia đình ông Quyền, các sản phẩm của trang trại luôn được các thương gia đến tận nơi thu mua, mùa nào thức ấy. Khách đến mua các sản phẩm nông nghiệp của gia đình ông Quyền đều là khách quen từ nhiều năm nay. Ông Quyền chia sẻ thêm: Ban đầu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là một trong những khó khăn lớn của gia đình. Chúng tôi cũng phải dành thời gian đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở khắp nơi trong và ngoài huyện. Khi khách hàng đến tận trang trại tham quan, tìm hiểu quy trình chăm bón cây trồng, chăm sóc vật nuôi mới hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, đặt mua các sản phẩm của chúng tôi với số lượng lớn.
Không chỉ làm giàu cho mình, mô hình trang tại tổng hợp của gia đình ông Quyền còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng 15 lao động với mức thu nhập trên 200 nghìn đồng/ngày.
Ông Bạch Đình Thi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt đánh giá: Mô hình trang trại tổng hợp của ông Đinh Văn Quyền là mô hình phát triển kinh tế điển hình của xã, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các hội viên và nhân dân. Mô hình được nhiều người dân trong và ngoài xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm...