Thúc đẩy kinh tế cảng đường thủy nội địa

17:05, 26/10/2018

Cảng Đa Phúc, xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) luôn nhộn nhịp và sôi động vì là cảng đường thủy nội địa duy nhất của tỉnh. Hằng năm, hoạt động luân chuyển hàng hóa tại Cảng Đa Phúc đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. Tuy vậy, sự quan tâm đầu tư quy hoạch và phát triển hạ tầng Cảng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có của nó.

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, thời điểm được xem là có lượng hàng hóa được luân chuyển nhiều nhất trong năm, chúng tôi có mặt tại một số điểm bốc, xếp hàng hóa ở Cảng Đa Phúc. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khá sôi động, nhộn nhịp. Trên sông, phía tả ngạn, tàu thuyền, xà lan đậu kín. Hàng chục máy tời, băng chuyền được đấu nối từ trên bến xuống khoang tàu để hút hàng. Xe vận tải lớn, nhỏ xếp thứ tự nối đuôi nhau vào bốc dỡ hàng hóa. Tiếng máy nổ, tiếng băng tải rung và cả tiếng còi tàu thủy báo hiệu đã cấp đủ hàng, tạo thành một mớ âm thanh mà chỉ thấy ở các công trường tấp nập.

Ở đây, hàng hóa chính được bốc, xếp là nguyên liệu đầu vào, vật liệu xây dựng và các sản phẩm đầu ra của ngành công nghiệp. Hàng hóa giao dịch ở đây thường là hàng hai chiều, chiều xuống chủ yếu là than, clanhke, quặng sắt và chiều lên là xi măng, cát, sỏi, thạch cao, nguyên liệu luyện kim... Theo các chủ cơ sở bốc xếp hàng hóa tại đây, so với cùng kỳ mấy năm trước, thời điểm này hàng hóa vào ra cảng nhiều hơn. Có lẽ, do vận tải đường bộ đang quá tải, thị trường được cải thiện và tâm lý chung của các doanh nghiệp là mong sớm hoàn thành khối lượng công việc trước khi bước sang năm mới.

Cảng Đa Phúc hiện có gần 10 bến bãi bốc xếp hàng hóa đang hoạt động. Qua khảo sát cho thấy, trung bình mỗi tháng, mỗi điểm bốc, xếp hàng hóa tại đây thực hiện khối lượng từ 30 nghìn đến 35 nghìn tấn hàng hóa vào, ra các loại. Lúc cao điểm (thường là vào dịp cuối năm) lượng hàng bốc, xếp, vận tải từ mỗi điểm lên tới 40 nghìn đến 50 nghìn tấn/tháng.

Riêng với Công ty TNHH Phú Thịnh CO2 - doanh nghiệp có vị trí, bến bãi thuận lợi - thì số lượng bốc xếp, luân chuyển hàng hóa lên tới 60 - 70 nghìn tấn/tháng. Doanh nghiệp này đã kết nối và trở thành đối tác tin cậy của một số đơn vị có nhu cầu trung chuyển hàng hóa lớn trên địa bàn như: Công ty Kinh doanh than Bắc Thái, các nhà máy xi măng quy mô lớn như: Quang Sơn, La Hiên, Quán Triều… Ngoài ra, doanh nghiệp này còn kết nối dịch vụ thường xuyên với gần 20 đơn vị có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường sông.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên, ông Lê Mạnh Cường cho hay, khu vực cảng Đa Phúc đang được xem là điểm trung chuyển, lưu thông hàng hóa quan trọng của tỉnh. Cảng Đa Phúc có vị trí thuận lợi, gắn kết dễ dàng với các cảng đường thủy nội địa khác, tạo ra một hệ thống liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Trong đó, chủ yếu gắn kết với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… Các điểm bốc xếp hàng hóa hoạt động trong Cảng thời gian qua đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Do vậy, việc tiếp tục quan tâm, đầu tư và khai thác hiệu quả tại đây sẽ giúp tỉnh cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu, cả về kinh tế, an sinh xã hội và vấn đề quá tải giao thông đường bộ.

Phải thừa nhận, mấy năm gần đây kinh tế cảng đường thủy nội địa của tỉnh phát triển hơn nhiều so với thời gian trước. Điều đó là dễ hiểu bởi nhu cầu vận tải, bốc xếp hàng hóa ra vào tỉnh tăng cao. Đó là do những tác động tích cực từ làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh với các dự án khổng lồ có số vốn lên tới hàng tỷ USD của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, gần đây khi một số nhà máy đã chính thức đi vào sản xuất ổn định, thì hoạt động dịch vụ ở Cảng Đa Phúc càng trở nên tấp nập hơn.

Tuy vậy, điều mà nhiều người, nhất là các chủ doanh nghiệp còn trăn trở, mong muốn, đó là phải nhanh chóng quy hoạch lại Cảng Đa Phúc sao cho phù hợp và tương xứng với nhu cầu phát triển hiện nay. Trước đây, đã từng có doanh nghiệp được giao quy hoạch, đầu tư hạ tầng toàn bộ khu vực cảng Đa Phúc, nhưng do năng lực tài chính hạn chế nên dự án không được thực thi. Cho đến nay, tỉnh cũng chưa tìm được nhà đầu tư đủ năng lực nào để thay thế…