Cần sớm đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp

09:57, 13/11/2018

Do ảnh hưởng của thiên tai, cộng với quá trình sử dụng nhiều năm không được đầu tư nâng cấp, cải tạo đã khiến nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, rất cần tỉnh quan tâm, ưu tiên vốn để đầu tư khẩn cấp để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của bà con.

Do có dãy núi Tam Đảo và núi Hồng nằm trên địa bàn, nên huyện Đại Từ thường hay xảy ra lũ ống, lũ quét trên các dòng suối lớn bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo, làm sạt lở khu dân cư, đường giao thông, ảnh hưởng đến an toàn hồ đập, cũng như đời sống, sản xuất của người dân. Đơn cử như đập Cây Nhừ, xã Phú Lạc, mới được sửa chữa, nâng cấp năm 2015 nhưng do nền đất yếu, lại chịu ảnh hưởng của thiên tai nên hiện đã xuất hiện vết nứt chạy dọc theo thân đập dài khoảng 25m, chiều rộng vết nứt khoảng 0,3m.

Tại đập La Kham, xã Hoàng Nông, hiện nay, bờ tả của đập, phía hạ lưu bị xói lở vào đất soi bãi của nhân dân khoảng 500m2, có nguy cơ ảnh hưởng đến thân đập và 30m đường bê tông dẫn vào đập. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm sạt lở phía bờ hữu hạ lưu chân cầu tràn thuộc xóm Lưu Quang, xã Minh Tiến, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến cầu tràn.

Đồng chí Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng, huyện đã chỉ đạo các xã bị ảnh hưởng huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục tạm thời. Đồng thời, cắm biển cảnh báo và tuyên truyền tới người dân hạn chế qua lại ở những khu vực nguy hiểm đế đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản. Cùng với đó, báo cáo tỉnh để xem xét, hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả.

Còn tại huyện Phú Lương, hiện cũng có rất nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng, khả năng dâng nước phục vụ sản xuất kém hiệu quả, gây mất an toàn thân đập. Cụ thể, tại đập Đồng Chèng, xã Yên Trạch, 2 bên mố rò rỉ, sạt lở, không dâng được nước, thượng lưu đập bồi lắng đất đá, thân đập xuất hiện các vết nứt gây mất an toàn; hồ Na Hiên, xã Yên Trạch, tràn xả lũ bị sạt lở mái taluy dương, không đảm bảo thoát nước khi mưa lũ xảy ra. Hay tại đầm Hợp Nhất, xã Tức Tranh, thân đập yếu, lượng nước tích trữ không đủ phục vụ diện tích tưới; tràn xả lũ chưa được kiên cố hóa; hệ thống cống lấy nước và van điều tiết xuống cấp khiến công tác vận hành đập gặp nhiều khó khăn. Tại đầm Núi Phật, xã Tức Tranh, thân đập còn xuất hiện ổ mối, rất nguy hiểm.

Còn ở huyện Đồng Hỷ, ông Triệu Tiến Hồng, ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, cho biết: Trên địa bàn xóm có 2 đập dâng ở đội 1 và đội 3, có khả năng tưới cho hơn 25ha đất nông nghiệp của bà con. Tuy nhiên, đây đều là đập đất do người dân tự đắp để dâng nước vào kênh phục vụ sản xuất nên mỗi khi vào mùa mưa bão, nước dâng lại cuốn trôi khiến bà con phải huy động nhân lực, vật lực để đắp lại, rất vất vả và tốn kém. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được Nhà nước đầu tư nâng cấp đập dâng và 800m kênh mương để nâng cao hiệu quả khai thác đập.

Theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ ở Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ mà hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có các công trình thủy lợi vị xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện nay, các huyện, thành, thị trong tỉnh đã đề xuất sửa chữa cấp bách 24 công trình thủy lợi với tổng kinh phí hơn 25,6 tỷ đồng.

Đồng chí Ngô Văn Ban, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Trước thực trạng hư hỏng, xuống cấp các công trình thủy lợi của các địa phương, chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh và được tỉnh giao chủ trì đoàn công tác gồm các ngành Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư đi kiểm tra thực địa các công trình bị hư hỏng. Tới đây, chúng tôi sẽ có báo cáo tổng thể với UBND tỉnh để xin chủ trương, kinh phí đầu tư nâng câp, sửa chữa các công trình nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt của bà con nhân dân trong tỉnh.