Chữ tín trong liên kết

09:27, 27/11/2018

Lâu nay, sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và người trồng chè trên địa bàn tỉnh vẫn bị coi là lỏng lẻo. Chữ tín giữa hai chủ thể này thường phá vỡ khi lợi ích của mỗi bên bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy, nếu mắt xích liên kết trên thiếu chặt chẽ, ngành chè sẽ khó có thể cải thiện trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

Hơn 10 năm trước, các nhà máy chè có cơ hội nở rộ trên địa bàn tỉnh ta do thị trường chè đen xuất khẩu thuận lợi. Lúc này, tại các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, nhiều nhà máy chè mọc lên. Người trồng chè có cơ hội hợp tác với DN để cung cấp chè nguyên liệu. Hợp đồng cung cấp được hai bên ký kết với các điều khoản rất rõ ràng, trong đó có cả chế tài xử lý cụ thể khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên, ngay sau ký kết nhiều trường hợp cả hai phía đều vi phạm hợp đồng chỉ vì lợi ích trước mắt của mỗi bên. Khi gặp bất lợi về đầu ra, DN sẵn sàng ép cấp, ép giá chè nguyên liệu của nông dân, ngược lại khi được thương lái trả với giá cao hơn, ngay lập tức người trồng chè ngừng cấp cho đối tác đã ký kết lâu dài để cung cấp cho đối tác mới. Chính vì sự thiếu chung thủy này mà có thời điểm hàng loạt nhà máy chế biến chè trên địa bàn tỉnh phải phá sản, hoặc hoạt động lay lắt, cầm chừng vì “đói” nguyên liệu ngay trên các vùng chè nguyên liệu lớn nhất tỉnh. Còn nhớ có thời điểm, riêng huyện Đại Từ có tới hàng chục nhà máy chè tồn tại, nhưng đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là, những trường hợp tương tự còn xảy ra không? Xin thưa, dù cũng đã có những cải thiện đáng kể nhưng hiện tượng này vẫn tồn tại, ngay cả với các vùng chè uy tín. Gần đây, khi trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chè Hà Thái, người có công đưa thương hiệu chè Thái Nguyên tiếp cận tốt hơn với thị trường quốc tế, tâm sự: Để sản xuất được một lượng lớn chè an toàn, chất lượng cao, DN rất cần có vùng nguyên liệu riêng. Hiện tại, không phải DN làm chè nào cũng làm được điều này, nếu có thì diện tích cũng rất ít. Bà cho hay, DN của bà dù đã cố gắng nhiều nhưng cũng mới sở hữu 50ha chè nên khó chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo yêu cầu nhằm giữ uy tín với khách hàng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, DN đã liên kết với một số hộ trồng chè. Tuy nhiên, có một thực tế là, khi khó khăn người nông dân cấp nguyên liệu cho DN, khi được giá lại bán ra bên ngoài. Và khi DN tạo dựng được uy tín, chất lượng gắn với vùng chè nguyên liệu thì bà con lại sợ mất thương hiệu của mình nên đã gây khó dễ cho DN.

Qua đây cho thấy, khi DN và người trồng chè chưa có sự liên kết chặt chẽ thì chắc chắn sản xuất sẽ manh mún, nhỏ lẻ, việc đầu tư quy mô lớn, có chiều sâu theo hướng công nghiệp hóa ngành chè không dễ thực hiện. Trong khi đó, chúng ta đang có nhiều điều kiện để phát triển ngành công nghiệp chế biến chè thành một trong những ngành kinh tế quan trọng ở địa phương. Các chuyên gia cho rằng, cần có sự tác động của đối tượng thứ ba với vai trò cầu nối củng cố mối liên kết giữa DN và người trồng chè, đó chính là chính quyền địa phương. Chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến các DN dám mạnh dạn đầu tư phát triển cây chè theo hình thức liên kết, giúp DN xây dựng được vùng nguyên liệu chè đảm bảo an toàn. Từ đó, DN có trách nhiệm đầu tư và kiểm soát đầu vào, kỹ thuật canh tác, còn nông dân nghiêm túc thực hiện quy trình kỹ thuật nâng cao chất lượng nguyên liệu. Tất cả sẽ tạo thành chuỗi liên kết để rồi mang lại chuỗi giá trị chính từ cây chè.