CPTPP - Không để thua trên “sân nhà”

16:53, 15/11/2018

Mới đây, sau khi Quốc hội phê chuẩn, Việt Nam chính thức là nước thứ 7/11 thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước. Để có thể chuyển thách thức thành cơ hội, không có cách nào khác là từng DN phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.

Là thành viên CPTPP, rõ ràng cơ hội cho chúng ta rất lớn, trong đó các DN sẽ được tham gia thị trường rộng hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất, nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại sẽ được bổ sung nhiều hơn. CPTPP cũng sẽ giúp chúng ta tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển và duy trì hòa bình. Tuy nhiên, sẽ có một số vấn đề mới như: Thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ… sẽ khiến chúng ta phải quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, nếu chúng ta không kiểm soát tốt thị trường, chắc chắn hàng hóa, nguyên liệu của một số nước sẽ tuồn vào để lấy nguồn gốc xuất xứ, xuất đi các nước thành viên khác trong CPTPP. Hiệp định cũng cho thấy, sẽ có một số lĩnh vực sản xuất trong nước được tạo cơ hội thuận lợi, nhưng cũng có không ít khu vực phải chịu áp lực lớn. Do đó, cộng đồng DN trong cả nước phải chuẩn bị tốt tâm thế, chủ động trước các tác động từ bên ngoài.

Với Thái Nguyên, một tỉnh có đa dạng loại hình DN hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau thì việc chịu nhiều tác động của CPTPP là rất rõ nét. Theo phân tích của các chuyên gia, ở Thái Nguyên ngoài ngành may mặc là có cơ hội thực sự khi hội nhập, còn một số lĩnh vực thế mạnh khác như: Sản xuất giấy, sắt thép, chăn nuôi và dịch vụ logistics sẽ chịu thách thức không nhỏ.

Với ngành may mặc, chúng ta có DN chủ lực là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (chiếm tới 80% - 90% giá trị toàn ngành). Các sản phẩm của DN này chủ yếu phục vụ xuất khẩu với thị trường chính là Mỹ và EU. Tuy CPTPP lần này Mỹ đứng ngoài cuộc, nhưng cơ hội để TNG chiếm lĩnh thị phần tại một số quốc gia khác là thành viên CPTPP như: New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, Chile, Malaysia, Australia lại rất lớn. Như vậy, có thể nói cơ hội đang mở ra rõ rệt với may mặc của TNG, nhưng nếu DN này không thay đổi cơ cấu sản xuất và sản phẩm để phù hợp thì vẫn sẽ vấp phải rào cản. Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của TNG vẫn là áo jacket bông, lông vũ, quần cargo short, hàng trẻ em - những mặt hàng gia công đơn giản, ở phân khúc trung bình và thấp, nên rất dễ bị đối tác thay thế. Thực tế cho thấy, nhiều DN trong ngành may mặc đã chuyển dần sang nhận các đơn hàng khó với giá gia công cao. Bởi vậy, nếu TNG vẫn tiếp tục sản xuất gia công đơn giản, khả năng cạnh tranh lâu dài sẽ bị hạn chế.

Với một số ngành sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn như giấy, sắt thép, chăn nuôi… thì càng đòi hỏi DN phải nỗ lực nhiều hơn. Với ngành chăn nuôi của chúng ta, các chuyên gia nhận định đang tồn tại nhiều hạn chế và sẽ lép vế khi hội nhập. Tại sao nói vậy? Vì tính liên kết trong chăn nuôi của chúng ta yếu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thực tế thời gian qua cho thấy, chỉ cần cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi của Trung Quốc thôi đã khiến chúng ta thua ngay trên “sân nhà”. Do đó, không có cách nào khác DN cần tăng cường liên kết với người nông dân thông qua cầu nối là Nhà nước để tạo chuỗi giá trị trong sản xuất và cải thiện sức cạnh tranh. Còn với ngành giấy và sắt thép, dù là hai lĩnh vực sản xuất truyền thống, có những đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương, nhưng cũng sẽ bị đánh bại nếu tính cạnh tranh của sản phẩm không cao. Chúng ta được chứng kiến có thời điểm ngành thép trong nước nói chung, thép Thái Nguyên nói riêng lao đao vì giá thép thành phẩm nhập khẩu từ bên ngoài chỉ bằng giá phôi nguyên liệu trong nước...

Qua đây, cần khẳng định, năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định thành bại khi tham gia CPTPP. Năng lực canh tranh có thành công hay không phụ thuộc vào môi trường kinh doanh và năng lực của các thành phần kinh tế. Khi tham gia CPTPP, chấp nhận thị trường cạnh tranh sòng phẳng với các nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, cộng đồng DN trong nước nói chung và DN Thái Nguyên nói riêng cần phải nỗ lực vượt bậc, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để ít nhất không thua trên “sân nhà”.