Với hơn 2.530ha chè, Định Hóa là địa phương có diện tích chè đứng thứ 4 của tỉnh (sau huyện Đại Từ, Phú Lương và Đồng Hỷ). Để nâng cao giá trị sản xuất và xây dựng thương hiệu chè, những năm qua, cùng với việc khuyến khích hình thành và phát triển các làng nghề trồng, chế biến chè, huyện Định Hóa còn đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển cây chè bền vững.
Làng nghề chè truyền thống thôn Phú Ninh 3 là một trong những vùng chè nổi tiếng nhất của huyện Định Hóa. Làng nghề hiện có gần 20ha chè, trong đó trên 80% diện tích là các loại chè giống mới như: LDP1, PH1, TRI 777, Phúc Vân Tiên...
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Tứ, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề cho biết: Trước đây, bà con chủ yếu trồng giống chè trung du nên năng suất và giá trị kinh tế thấp. Từ năm 2005 trở lại đây, thực hiện chủ trương của huyện về việc chuyển đổi cơ cấu giống cây chè, nhiều hộ đã mạnh dạn thay thế giống chè trung du bằng các giống chè mới cho năng suất và chất lượng cao. Cùng với đó, bà con còn chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến chè. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu sản xuất chè bằng phương pháp thủ công, thì nay 100% các hộ làm chè trong làng nghề đều sử dụng tôn quay, máy vò chè bằng inox, nhiều hộ còn đầu tư cả máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng gas, máy đóng gói hút chân không…
Đặc biệt, từ năm 2012, huyện đã hỗ trợ làng nghề chè Phú Ninh 3 xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, 25/36 hộ trong làng nghề đã áp dụng phương pháp sản xuất chè an toàn với diện tích gần 15ha. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây chè, đời sống của người dân làng nghề chè Phú Ninh 3 ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân của các hộ dân trong làng nghề hiện nay đạt gần 30 triệu đồng/người/năm (tăng gần 15 triệu đồng/người/năm so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25% năm 2011 xuống còn 11,5% năm 2018.
Với mục tiêu đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện, những năm gần đây, huyện Định Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống chè lai chất lượng cao vào sản xuất. Nổi bật là chính sách hỗ trợ 50% giá giống cho người dân khi tiến hành chuyển đổi từ diện tích chè trung du sang trồng các giống chè lai được UBND huyện triển khai từ năm 2011 đến nay.
Thực hiện chính sách này, riêng hộ nghèo và cận nghèo được ngân sách huyện hỗ trợ 100% giá giống, tương đương khoảng 13,5 triệu đồng/ha. Với chính sách hỗ trợ thiết thực đó, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã trồng mới và trồng thay thế được trên 1.050ha chè (là địa phương có diện tích chè trồng mới nhiều thứ 2 của tỉnh) với chủ yếu là các giống chè lai cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: LDP1, PH1, TRI 777, Long Vân, Kim Tuyên, Thúy Ngọc…
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 19 làng nghề chè đặc sản nổi tiếng, tiêu biểu như: Làng nghề chè Quỳnh Hội (xã Trung Hội); Làng nghề chè Sơn Thắng (xã Sơn Phú); Làng nghề chè Phú Ninh 1,2,3 (xã Phú Đình)...
Việc phát triển làng nghề chè cùng chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, các làng nghề chè hiện đang giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Sản lượng chè búp tươi của các làng nghề đạt khoảng 5.000 tấn/năm; năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha; giá bán trung bình từ 200.000 - 350.000 đồng/kg chè búp khô.
Tôn sao chè bằng ga của gia đình bà Nguyễn Thị Thủy, thôn Phú Ninh 1, xã Phú Đình.
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây chè, huyện Định Hóa còn tích cực tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản chè, như: máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng gas, máy hút chân không... Nhờ đó, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè trong vài năm trở lại đây đã được nâng lên rõ rệt.
Nếu như năm 2011, năng suất chè bình quân của huyện chỉ đạt bình quân 70-80tạ/ha thì nay đã đạt 112 tạ/ha (tương đương với năng suất chè bình quân của tỉnh); sản lượng chè búp tươi hằng năm của huyện đều đạt trên 24.000 tấn. Hiện nay, giá trị kinh tế của 1ha chè đạt 115 triệu đồng, tăng 45 triệu đồng/ha so với năm 2011…
Có thể thấy, với những chính sách phát triển cây chè hợp lý, những năm qua, diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế của cây chè Định Hóa đã được nâng lên rõ rệt. Bà Triệu Thị Nga, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo phát triển cây chè theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; mở rộng diện tích chè giống mới đặc biệt là chè lai chất lượng cao để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến chè xanh, chè đen. Huyện phấn đấu đến năm 2020, diện tích chè toàn huyện sẽ duy trì ổn định từ 2.600 - 3.000ha, trong đó, trên 500ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; năng suất chè búp tươi bình quân đạt 115 tạ/ha; sản lượng đạt trên 25.000 tấn/năm…