Nghề làm rau giống ở xóm Việt Hồng

09:30, 30/11/2018

Với lợi thế về giao thông cũng như điều kiện đất đai, khí hậu, cùng với việc trồng các loại rau ăn lá, lâu nay người dân xóm Việt Hồng, xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) còn tập trung sản xuất và kinh doanh rau giống, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Sáng sớm có mặt tại cánh đồng chuyên canh rau giống tại xóm Việt Hồng, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động, sản xuất sôi nổi của bà con nơi đây. Trên cánh đồng, người làm đất, người tưới rau, người thu hoạch rau giống, tiếng máy làm đất xen lẫn tiếng nói cười vui vẻ làm huyên náo cả một vùng quê.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Minh, Trưởng xóm Việt Hồng cho biết: Nghề làm rau giống ở xóm Việt Hồng đã tồn tại hơn 50 năm nay. Hằng năm, sau khi kết thúc vụ hè thu với các loại cây màu như: cà chua, mướp đắng, bí xanh… người dân trong xóm đã chuyển sang trồng rau giống các loại. Ban đầu, người dân trong xóm chỉ gieo trồng một số loại rau thông thường, tuy nhiên hiện nay, người dân đã bắt đầu đưa vào sản xuất một số loại rau cao cấp (xà lách tím, bắp cải tím, bí ngòi vàng, củ cải đỏ…) mang lại giá trị kinh tế.

Toàn xóm hiện có 38/45 hộ dân chuyên sản xuất và kinh doanh rau giống các loại với diện tích gần 2ha. Theo các hộ dân nơi đây, dù nghề sản xuất rau giống vất vả, tốn nhiều công chăm sóc, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với một số loại cây trồng khác nhưng thị trường và giá cả tương đối ổn định. Đó là một trong những yếu tố giúp người dân gắn bó và đưa nghề sản xuất rau giống ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

     Hằng năm, rau giống được sản xuất liên tục từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch. Để có sản phẩm rau chất lượng thì con giống phải đảm bảo chất lượng, do đó, toàn bộ hạt giống đều được người dân chọn lọc kỹ lưỡng và mua tại các cơ sở uy tín, chất lượng. Ông Lê Đức Dũng, người có kinh nghiệm lâu năm làm rau giống cho biết: Khu ươm rau giống cần được chia thành những luống nhỏ, đất phải làm nhỏ mịn và tơi xốp. Do thường xuyên luân canh gối vụ nên sau mỗi lứa, cần bổ sung thêm lớp đất màu rải trên mặt luống, nhằm đảm bảo chất dinh dưỡng để cây con phát triển. Trong khoảng thời gian 25-30 ngày tùy vào từng loại rau, cây giống sẽ được thu hoạch.

Ở xóm Việt Hồng, toàn bộ rau giống làm ra không chỉ cung cấp cho người dân địa phương, các vùng lân cận mà còn được thương lái từ các nơi đến đặt mua. Với giá dao động từ 25-30 nghìn đồng/100 cây giống, người dân thu nhập khoảng 15 triệu đồng/sào/lứa. So với cấy lúa thì giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần, do đó hằng năm, bà con chỉ gieo cấy lúa nhằm đảm bảo lương thực còn lại là trồng rau.

Theo bà Nguyễn Thị Nhâm, nghề sản xuất rau giống không quá khó, cũng không mất nhiều vốn đầu tư, tuy nhiên, khó khăn lâu nay với bà con chính là vấn đề thời tiết. Bởi lẽ, hầu hết rau giống được ươm tại các ruộng ngoài đồng, đến khi xuất bán vẫn còn khá nhỏ, dễ bị ảnh hưởng nếu thời tiết không thuận lợi.

Để khắc phục khó khăn này, hiện nay, trước khi bắt tay vào làm rau giống, các hộ dân đã sử dụng hệ thống lưới che chắn nhằm điều chỉnh nhiệt độ khi trời nắng nóng, đảm bảo cây giống không bị dập, nát khi mưa bão. Bà con cũng chủ động đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, sử dụng hệ thống tưới van xoay tự động nhằm giảm công lao động. Cùng với đó, bà con trong xóm cũng thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm nâng cao chất lượng rau giống, đáp ứng nhu cầu của người trồng.

Nghề làm rau giống tại xóm Việt Hồng tuy là tự phát nhưng đã góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Hiện, toàn xóm chỉ còn 1 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, đến nay, nghề sản xuất rau giống đã lan rộng tới một số xóm trong xã như: Trà Thị, Soi, Trại…

Theo ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao, nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu thuê đất nông nghiệp để sản xuất; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ... Cùng với đó, hằng năm, xã cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch rau để người dân nâng cao kỹ thuật, từ đó áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình.