Ngược núi lên bản Thượng Kim

11:30, 27/11/2018

Trở lại bản người Dao Thượng Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai), chúng tôi mang trong mình nhiều hy vọng về một bản vùng cao đổi mới, no ấm hơn. Nhưng khác với suy nghĩ đó, nơi đây vẫn giống như một “ốc đảo” trên núi và cuộc sống của bà con còn bộn bề khó khăn...

Cách trung tâm xã Thần Sa hơn 15km, bản Thượng Kim nằm biệt lập, cheo leo trên sườn núi. Năm nào cũng thế, khi sương giăng phủ trắng núi rừng, bầu trời chuyển màu xám xịt cũng là lúc người dân trong bản lo lắng bởi mùa Đông khắc nghiệt với những đợt mưa phùn, gió bấc lại về.

Trước khi vào bản, một số cán bộ xã cho chúng tôi biết: Mưa thế này, đường khó đi lắm. Quả đúng như vậy! Sau một hồi đánh vật với đoạn đường đầu tiên, chúng tôi quyết định gửi xe máy ở nhà dân để đi bộ vào bản. Mấy ngày vừa qua, trời có mưa to khiến cho con đường quanh co, khúc khuỷu càng bị trơn trượt với nhiều dốc cao và đặc bùn lầy. Để chinh phục con đường, người dân nơi đây phải lấy xích xe đạp cuốn vào bánh xe máy, tạo lực ma sát bám đường mà vượt qua từng đoạn.

Trong ngôi nhà sàn cũ làm bằng gỗ, nền lởm chởm đá, bà Nguyễn Thị Thơm, một người dân ở bản Thượng Kim tâm sự: Quê tôi ở Thái Bình. Hồi trẻ, tôi lên thăm cô em lấy chồng ở đây, rồi chả hiểu thế nào lại bén duyên với vùng đất heo hút này. Bản Thượng Kim nghèo lắm, bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Mà cô bảo không nghèo sao được, đường vào thì khó khăn, điện lại không có. Đất ruộng ít, rừng mênh mông nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ, thành ra người dân chẳng biết bám vào đâu để phát triển sản xuất. Nhà tôi may mắn khai hoang được hơn 2 sào ruộng cộng với trồng lúa nương, năm nào được mùa, thu về gần 20 bao thóc, còn không chỉ được 6 đến 7 bao, thiếu ăn ngày giáp hạt xảy ra thường xuyên. Để có thêm thu nhập, tôi còn mở hàng tạp hóa, nhưng cũng không lờ lãi nhiều, vì ở đây chỉ có mì tôm là thứ hàng hóa được nhiều người ưa chuộng.

Ông Triệu Văn Kim, Trưởng bản thông tin khái quát: Thượng Kim là bản cao và xa nhất của xã Thần Sa, với 31 hộ và hơn 140 nhân khẩu, 100% số hộ là người dân tộc Dao. Lâu nay, bản được mệnh danh là bản “5 không” của xóm: Không đường đi lại thuận tiện, không có điện, không gần chợ, không có sóng điện thoại và gần một nửa bản không có ruộng đất. Đời sống của người dân vẫn hoàn toàn tự cung tự cấp, canh tác nông nghiệp lạc hậu, chủ yếu là trồng lúa và ngô nhưng năng suất thấp vì thiếu nước, thiếu phân bón và thiếu hạt giống tốt. Vì vậy, đến nay 100% số hộ vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn... Ông Kim nói thêm: Vì điều kiện khó khăn, nên mọi hoạt động  và vai trò của các ngành đoàn thể đối với người dân cũng mờ nhạt. Bản chỉ có 1 đảng viên nên phải sinh hoạt ghép với Chi bộ xóm Tân Kim; nhiều chi hội đoàn thể chưa có.

Thay đổi lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy khi trở lại lần này là bản Thượng Kim đã có điểm trường tiểu học mới và đường điện được kéo về bản. Nếu như trước đây lớp học của các em được ghép tạm bằng tranh tre nứa lá thì giờ được thay thế bằng dãy phòng học khang trang, kiên cố. Thầy giáo Nguyễn Xuân Hải, quê ở huyện Phú Bình, người có hơn 20 năm công tác trên vùng cao thì gần 10 năm làm giáo viên cắm bản ở Thượng Kim, tâm sự: Hiện nay, điểm trường có 3 thầy, cô giáo và 26 học sinh (trong đó có 13 học sinh lớp 1, 2 và 4, còn lại là các cháu ở bậc mầm non). Trước đây, dù được miễn toàn bộ kinh phí học tập, nhưng việc học của các em không được cha mẹ quan tâm, thậm chí các thầy phải đến nhà vận động các em đến lớp. Nhưng giờ thì khác, phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con em mình và chủ động đưa đón con đi học, trao đổi với các thầy, cô giáo nhiều hơn.

Điểm trường thì khỏi phải bàn, thế nhưng niềm vui có điện của người dân lại chưa trọn vẹn. Đầu năm 2017, Thượng Kim là 1 trong 43 xóm, bản trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đường điện theo Dự án cấp điện nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Khi biết được Nhà nước đầu tư kéo điện về bản, người dân vô cùng vui sướng, bà con vận động nhau cùng hiến đất và tài sản trên đất để thi công công trình, mong đường điện sớm hoàn thành. Đến nay, sau gần 2 năm, đường điện về bản đã cơ bản hoàn thiện, nhưng không hiểu vì lý do gì mà người dân ở đây vẫn chưa có điện lưới Quốc gia sử dụng.

Hiện nay, một số hộ có điều kiện ở bản Thượng Kim vẫn tận dụng các khe suối để đặt tua-bin phát điện phục vụ đời sống sinh hoạt, còn các gia đình khác thì phải dùng đèn dầu, chịu cảnh tối tăm mịt mờ khi màn đêm buông xuống. Mặc dù vậy, họ vẫn lạc quan bảo nhau rằng, thế là bản ta được Nhà nước quan tâm lắm rồi, chỉ là chưa được trọn vẹn thôi. Và họ mong chờ niềm vui có điện sẽ đến trong một ngày không xa.

Vâng, chúng tôi cũng tin khi có điện, có đường, hướng thoát nghèo ở bản sương giăng này sẽ không còn lắm những gian nan.