"Bà đỡ" cho các hộ nghèo

08:00, 12/12/2018

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Đồng Hỷ đã phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. Nhờ nguồn vốn này, nhiều gia đình đã thoát nghèo và có đời sống khấm khá.

Cùng với cán bộ xã Văn Hán, chúng tôi đến thăm nhà chị Tô Thị Bích, ở xóm Hòa Khê 1. Đây là một trong những hộ thoát nghèo tiêu biểu năm 2018. Chị tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 theo kiểu mái thái khang trang, rộng rãi.

Lập gia đình và ra ở riêng từ năm 2010, vợ chồng chị Bích được bố mẹ cho 1 sào chè và 1 sào ruộng lúa một vụ. Hoàn cảnh túng thiếu lại nuôi 3 con ăn học nên chồng chị phải đi làm thuê ở nhiều nơi. Đang trong tình trạng ăn bữa nay, lo bữa mai thì chị Bích biết thông tin Ngân hàng Chính sách - Xã hội có chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo. Qua hai lần đăng ký, năm 2013, chị Bích được vay 20 triệu đồng. Với số tiền đó, gia đình đã thuê máy xúc san gạt đất đồi, trồng thay thế diện tích chè trung du bằng giống chè cành và đầu tư mua phân bón, thiết bị chế biến. Năm 2014, chị tiếp tục vay 30 triệu đồng để san lấp ruộng lúa kém hiệu quả để trồng chè. Từ diện tích này, vợ chồng chị tập trung chăm sóc và dần dần có nguồn thu nhập ổn định. Năm 2018, gia đình chị đã thoát nghèo và xây dựng được ngôi nhà mới với diện tích 100m2, trị giá trên 300 triệu đồng. Chị Bích nói: "Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay, các con được ăn học đầy đủ."

Còn anh Nguyễn Văn Phúc, ở xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán, cũng có gia cảnh khó khăn. Hai vợ chồng ra ở riêng chỉ với 2 sào chè và 2 sào ruộng lúa. Cứ tần tảo quanh năm cũng chỉ đủ trang trải eo hẹp cho gia đình với 5 nhân khẩu. Thiếu đất canh tác, thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nên cái nghèo cứ đeo đẳng gần chục năm trời. Nhờ có Hội Nông dân xã ủy thác, gia đình anh được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, được tư vấn sử dụng nguồn vốn, tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc và chế biến chè. Có vốn trong tay, anh đầu tư chăm sóc vườn chè hiện có, mua tôn sao và mở rộng thêm diện tích trồng chè... Đến nay, mỗi lứa gia đình anh thu được 1,5 tạ chè khô, bằng sản lượng cả năm trước kia. "Không những cho vay vốn mà Ngân hàng Chính sách - Xã hội còn tư vấn cho tôi cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Nhờ thế mà cuộc sống gia đình dần dần bớt khó khăn và nay đã thoát nghèo." - Anh Phúc chia sẻ.

Câu chuyện thoát nghèo của chị Bích, anh Phúc là những ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Trong năm 2018, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Đồng Hỷ đã triển khai 15 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Nhờ các chương trình này, đã có 627 hộ nghèo, 376 hộ cận nghèo và 62 hộ mới thoát nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh; 43 hộ nghèo, đời sống khó khăn xây dựng được nhà ở; 291 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; trên 1.000 hộ vay vốn cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường... Tổng dư nợ cho vay đạt trên 384 tỷ đồng, tăng gần 36 tỷ đồng so với năm 2017.

Đối với hoạt động ủy thác, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và ký hợp đồng ủy thác với các hội cấp xã; hợp đồng ủy nhiệm với các tổ tiết kiệm và vay vốn ở các xóm, bản. Mạng lưới làm công tác ủy thác đã phủ rộng khắp 100% các xóm, bản trong huyện. Các tổ chức chính trị - xã hội phát huy thế mạnh trong việc quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của các đối tượng thụ hưởng. Do đó, chất lượng tín dụng ủy thác ngày một nâng lên. Đến nay, dư nợ ủy thác qua các tổ chức này đạt trên 383 tỷ đồng. 

Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Trần Nhật Linh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Đồng Hỷ cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền cho người dân nắm bắt được các chương trình tín dụng chính sách để mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất. Từ đó, đẩy lùi tín dụng đen ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tạo động lực giúp bà con vươn lên thoát nghèo.