Những ngày gần đây, nhiệt độ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh xuống thấp phổ biến từ 11-14 độ C. Tại huyện miền núi Định Hóa có nơi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Để chủ động ứng phó với thời tiết, bà con nông dân trên địa bàn huyện đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do rét đậm gây ra.
Gia đình ông Nguyễn Đức Lợi, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng hiện có 8 con bò. Đây không chỉ là nguồn sức cày, kéo phục vụ sản xuất mà còn là tài sản giá trị lớn của gia đình (mỗi con trị giá trên 20 triệu đồng). Để bảo vệ đàn bò trong những ngày giá rét vừa qua, ông đã chủ động gia cố, che chắn lại chuồng trại cho kín đáo nhằm tránh gió rét làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn bò; đồng thời, ông cũng chuẩn bị một lượng lớn rơm khô để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, không thể đưa bò ra ngoài chăn thả.
Tương tự, ngay sau khi đợt không khí lạnh đầu mùa tràn về, gia đình ông Ma Văn Tài, xóm Nà Kéo, xã Quy Kỳ đã chủ động đưa toàn bộ đàn trâu của gia đình đang chăn thả trên rừng về nhà nuôi nhốt để tiện trông coi, chăm sóc. Ông Tài chia sẻ: Gia đình tôi có 7 con trâu, trị giá hơn 150 triệu đồng. Đây là tài sản lớn nhất của gia đình nên ngay khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa rét là gia đình tôi đã sửa sang, gia cố lại chuồng trại để đưa đàn trâu về nhà nuôi nhốt. Những năm trước, do tập quán thả rông trâu, bò không chú ý tới phòng, chống rét cho chúng, nên mùa Đông nào xóm tôi cũng có trâu, bò bị chết vì đói, rét. Điển hình là đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, cả xóm có 4 con trâu, 2 con bò và hơn chục con dê bị chết do rét đậm. Năm đó, gia đình tôi cũng bị chết 1 con trâu thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Vì vậy, năm nay, tôi quyết tâm không để thời tiết "cướp đi" tài sản của gia đình mình nữa.
Đối với huyện miền núi Định Hóa, hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được xác định là thế mạnh của địa phương trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Những năm gần đây, số lượng đàn vật nuôi của huyện liên tục tăng, toàn huyện hiện có 6.380 con trâu, 4.700 con bò, 44.960 con lợn; 13.100 con dê và 712.000 con gia cầm... Chính vì vậy, công tác bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa giá rét được chú trọng. Ngay khi mới bắt đầu vào mùa Đông, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; huyện cũng đã thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, kiểm tra và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trong những ngày giá rét.
Theo đó, người dân được khuyến cáo không thả rông gia súc trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C; đồng thời, thực hiện che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, đảm bảo chuồng trại kín, khô, ấm, chống được mưa và gió lùa; chủ động dự trữ rơm khô sau khi thu hoạch lúa mùa để làm nguồn thức ăn cho trâu, bò. Ngoài ra, cần bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh như: cám, bột ngô, bột sắn… hoặc cháo loãng, nước muối ấm cho trâu, bò uống để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, phòng, chống dịch bệnh xâm nhập.
Trao đổi với chúng tôi, bà Triệu Thị Nga, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Người dân tại một số nơi trên địa bàn huyện thường có thói quen thả rông gia súc trên rừng. Do đó, những năm trước đây, trên địa bàn huyện thường xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết mỗi khi rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại lớn đến đời sống của bà con. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức cũng như tập quán chăn nuôi của người dân. Nhờ vậy, vài năm trở lại đây, ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đã được nâng lên rõ rệt, hầu hết các hộ gia đình đều đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho vật nuôi và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi khi xảy ra rét đậm, rét hại…
Thực tế, qua khảo sát tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong những ngày giá rét vừa qua, chúng tôi hầu như không còn bắt gặp hiện tượng thả rông trâu, bò như trước đây. Công tác phòng, chống đói rét và bệnh tật cho đàn vật nuôi đã được các cấp chính quyền và người dân ngày càng chú trọng hơn.
Theo dự báo, những ngày tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Mùa Đông năm nay đến muộn nhưng được dự báo sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại hơn mọi năm. Việc người dân tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi sẽ góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thời tiết gây ra.