Kỳ 2: Đừng để “bình mới, rượu cũ”

16:16, 14/12/2018

Từ thực tế cho thấy việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống thì cần có những giải pháp cụ thể nhằm thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân trong việc sử dụng thực phẩm an toàn, đồng thời bảo đảm nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Còn nhiều vướng mắc

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 sớm đi vào cuộc sống, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 10 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ đã và đang tiến hành các bước lập dự án, thiết kế xây dựng, dự toán kinh phí, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể của đơn vị chuyên môn trong việc hoàn thiện thủ tục để được phê duyệt quyết định đầu tư.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Thành phố dự định xây dựng 2 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ tại xã Bình Sơn và phường Lương Sơn. Trong năm nay đã có 2 hộ dân đăng ký thực hiện và chúng tôi cũng đã hướng dẫn các hộ làm thủ tục đầu tư, nhưng hiện nay chưa có đơn vị nào thẩm định phê duyệt dự án. Chúng tôi cũng đã tham mưu với UBND Thành phố có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT và UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể để triển khai các bước tiếp theo bảo đảm đúng quy định, nhưng cũng chưa được phúc đáp.

Từ thực tế cho thấy, trong quá trình đầu tư hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm, các doanh nghiệp (DN), hộ dân đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như chi phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng lớn, việc thuê đất phải qua nhiều thủ tục nên các tổ chức, DN đầu tư trong lĩnh vực giết mổ còn lúng túng, chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng...

Ngoài ra, những bất cập trong chính sách cũng là rào cản khiến cho việc thực hiện mục tiêu Đề án đề ra rất chậm, như: Việc xây dựng dự án, phương án, thiết xây dựng, dự toán kinh phí… phải qua nhiều khâu thẩm định; thủ tục hành chính đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ còn phức tạp.

Anh Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Tân Linh (Đại Từ) cho biết: Trung bình mỗi tháng, chúng tôi tiêu thụ trên 2.000 con thỏ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo quy định của UBND tỉnh thì mới có chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển, giết mổ và phí kiểm soát giết mổ cho các loại động vật như trâu, bò, lợn, gà, vịt… chứ chưa có hỗ trợ cho thỏ. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ giết mổ đối với loại động vật này; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục thanh quyết toán của các sở, ngành liên quan.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện Đề án ở các địa phương còn chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các chủ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật đã đăng ký (các huyện, thành phố mới ban hành kế hoạch triển khai Đề án trong năm 2018 nhưng chưa tổ chức hội nghị triển khai).

Tránh “vết xe đổ”

Thực tế, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ động vật nhưng vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân đầu tư. Cụ thể, năm 2013, tỉnh đã ban hành Đề án giết mổ gia súc gia cầm tập trung giai đoạn 2013-2015 với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt. Mục tiêu của Đề án là xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm 100% gia súc, gia cầm giết mổ trong cơ sở được kiểm soát của cơ quan chức năng; bảo đảm cung cấp 80% trở lên sản phẩm thịt cho các khu công nghiệp, trường học, chợ tập trung, siêu thị trên địa bàn tỉnh… đã bị thất bại.

Ngoài ra, còn một mục tiêu quan trọng khác của Đề án là hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở giết mổ tập trung quy mô công nghiệp tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình thì toàn tỉnh mới chỉ xây dựng được 1 cơ sở của Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây (Phú Bình). Và mới đi vào hoạt động chưa được 4 tháng thì Công ty này đã phải đóng cửa vì thua lỗ, không cạnh tranh được với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát.

Bước sang giai đoạn 2018-2020, tỉnh quyết định đầu tư gần 36 tỷ đồng (chưa kể tiền đầu tư của cá nhân, DN, hợp tác xã) để thực hiện Đề án với các nội dung như: Hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị trong hàng rào dự án, hỗ trợ phí giết mổ, vận chuyển động vật đến cơ sở giết mổ… với kỳ vọng hình thành liên kết chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Nhưng nếu không tránh vết xe đổ mà vẫn với cách làm như giai đoạn trước thì Đề án này sẽ có nguy cơ “phá sản”, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và tiền đầu tư của người dân, DN.

Để chính sách đi vào cuộc sống

Để từng bước đưa hoạt động quản lý giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, trong thời gian tới, tỉnh cần kiên quyết dừng hoạt động các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, không có trong quy hoạch, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không có chûáng nhêån àùng kyá kinh doanh.

Cùng với đó, các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương tiến hành quy hoạch, bố trí địa điểm xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ phù hợp với từng địa phương. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các hộ giết mổ, buôn bán kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết dấu kiểm soát chất lượng để mua thực phẩm đã qua kiểm dịch, sử dụng thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn…

Theo ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Năm 2018, huyện cũng đã ban hành kế hoạch quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong năm 2019, huyện sẽ thực hiện công tác kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật; xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật không đúng quy định. Cùng với đó, quy hoạch các điểm giết mổ tập trung và nhỏ lẻ ở thị trấn Giang Tiên; xã Hợp Thành và Tức Tranh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án, Chi cục sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra tiến độ xây dựng các cơ sơ giết mổ động vật tập trung và nhỏ lẻ. Cùng với đó, tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại các cơ sở được phép hoạt động; thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ động vật.

Có thể thấy, thực hiện Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, sẽ quản lý tốt hoạt động giết mổ trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho nhân dân. Đồng thời, giúp cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật yên tâm đầu tư, chiếm lĩnh được thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa của chính quyền địa phương và các ngành liên quan.

Tính đến hết tháng 11-2018, tổng số động vật được kiểm soát giết mổ, kiểm soát vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh là hơn 30.200 con lợn, gần 99.000 con gia cầm, 19.300 con thỏ. Các cơ sở giết mổ động vật tập trung đã cung cấp sản phẩm động vật cho các bếp ăn tập thể như: trường mầm non, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn và cung cấp cho gần 100 chủ hộ kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ như: Chợ Thái, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên); chợ Đại Từ; chợ Ba Hàng (T.X Phổ Yên). Qua đó góp phần bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: “Hiện nay, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành liên quan đang tập trung hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho các DN để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung; đồng thời thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm”...

 

 

 

 

Ông Lê Đắc Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y: “Việc đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các lò giết mổ tập trung đi vào hoạt động hiệu quả là một trong những nhiệm vụ cấp bách về an toàn thực phẩm, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng và cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa”...