Làm giàu từ mô hình V-A-C-R

09:33, 11/12/2018

Công tác trong ngành Ngân hàng với thời gian 24 năm nhưng với khát khao vươn lên làm giàu, ông Nguyễn Quang Tiến (sinh năm 1958) đã từ bỏ công việc được xem là ổn định, đến vùng đất xóm Hóa, xã Bảo Lý (Phú Bình) lập nghiệp.

Ông Tiến kể: Trước kia, tôi là cán bộ thuộc biên chế của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, thường xuyên đi nhiều nơi triển khai các gói tín dụng. Được nghe nông dân giới thiệu về các mô hình kinh tế hiệu quả và chia sẻ nhiều kinh nghiệm nên tôi đã nung nấu ý định. Đến xóm Hóa, xã Bảo Lý, thấy vùng đất rộng trên 4ha người dân bỏ không nên năm 2002, tôi đã mua diện tích đất này, xin nghỉ việc tại ngân hàng, cùng vợ con chuyển từ xã Thanh Ninh đến đây lập nghiệp. Do nơi đây chủ yếu là đồi núi, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn “nước trời” nên tôi thuê máy móc về đào 8 sào ao để trữ nước, đồng thời lựa chọn giống keo cao sản để trồng, cùng với đó là trồng các loại ngô, khoai, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ để lấy ngắn nuôi dài. Dần dần tích cóp vốn, tôi mở rộng diện tích, xây dựng chuồng trại chăn nuôi vịt, lợn, gà và tăng dần số lượng qua các năm… Do tôi luôn chú ý phòng ngừa dịch bệnh nên đàn vật nuôi phát triển tốt, cho nguồn thu ổn định…

Hiện nay, khu trang trại vườn - ao - chuồng - rừng của ông Tiến rộng trên 5ha, trong đó gần 4ha là đất đồi trồng keo, phần còn lại được sử dụng để xây dựng trang trại V-A-C, chăn nuôi 100-150 con lợn thịt, 500 con gà và 3.000 con vịt; ao thả cá ruộng gần 1,5 mẫu và trồng trên 100 gốc cây ăn quả cùng các loại rau màu. Năm 2016, gia đình ông xuất bán 2ha keo, thu về 230 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, riêng tiền bán trứng vịt, gia đình ông thu lãi từ 15-20 triệu đồng.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mình, những năm qua, ông Tiến thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân khác về giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Vụ Đông vừa qua, gia đình ông đã ươm và xuất bán 10 vạn cây ớt giống ra thị trường, cung ứng trả chậm cho người dân địa phương. Để giúp các hộ dân tìm được nguồn tiêu thụ nông sản ổn định, đầu năm 2018, ông Tiến đã tập hợp các hộ dân cùng thành lập Hợp tác xã (HTX) rau củ quả Phát Đạt với 26 thành viên, trong đó ông Tiến là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX. HTX bước đầu hoạt động có hiệu quả, tạo liên kết giữa các thành viên và các hộ dân từ khâu cung ứng giống đến tiêu thụ. Trong vụ hè thu vừa qua, HTX cũng đã tổ chức ký hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Bắc Giang) để đưa vào trồng thí điểm cây đỗ tương rau, thu về 27 triệu đồng; ngoài ra, HTX còn đứng ra thu mua ớt, dưa chuột của người dân và các thành viên trong HTX… Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu Toàn Cầu đưa vào trồng thử nghiệm cây chanh leo, cùng với đó tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị để triển khai các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Duyệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Lý nhận xét: Ông Tiến không chỉ là gương cá nhân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của địa phương mà còn là một trong những hội viên tích cực, đóng góp cho công tác Hội và phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương trong thời gian qua.