Thượng Đình có nghề đan rọ tôm

08:10, 04/12/2018

Từ lâu, đan rọ tôm đã trở thành nghề mưu sinh của nhiều gia đình ở xã Thượng Đình (Phú Bình), góp phần giải quyết việc làm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho không ít hộ dân, đóng góp vào quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương.

Đưa chúng tôi đi thăm một số hộ làm nghề đan rọ tôm, ông Dương Quang Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Đình cho biết: Xã có trên 2.000 hộ dân thì hiện có trên 500 hộ dân ở tất cả 15 xóm làm nghề đan rọ tôm, nhưng tập trung chủ yếu ở các xóm: Hòa Bình, Bồng Lai, Gò Lai, Đông Yên, Hòa Thịnh, Rô, Tân Lập, Ngọc Tân, Chợ Mới… Các hộ dân đều tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tre được trồng tại các soi, bãi, dọc ven sông Cầu..

Ghé thăm nhà của chị Dương Thị Yên ở xóm Hòa Thịnh, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động rất nhộn nhịp. Một nhóm các bà, các cô, người thì chẻ tre, vót nan, người đan hom, đan rọ, tiếng cười nói rôm rả. Nói về quá trình làm nghề, chị Yên cho biết: Nghề đan hom, rọ đã có từ thời bố mẹ tôi và đến nay tôi vẫn tiếp tục theo nghề. Cái hay của công việc này là tận dụng được nguồn lao động tại chỗ lúc nông nhàn, bất kể già hay trẻ, trời mưa hay nắng đều làm được. Như nhà tôi, ngoài giờ đi làm công nhân, về nhà, các con tôi vẫn tranh thủ chẻ tre, vót nan phụ giúp gia đình. Vào những ngày nghỉ, nếu có 3-4 người tập trung đan rọ thì một ngày cũng có thể làm được 50 chiếc rọ nhỡ. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi tháng cũng thu được 3,5 đến 4 triệu đồng.

Cũng gắn bó với nghề đan rọ tôm, nhưng với ông Dương Đình Thiệu, ở cùng xóm với chị Yên thì đây lại là công việc cho thu nhập chính trong gia đình. Ông Thiệu chia sẻ: Do bị bại liệt hai chân, sức khỏe yếu, chỉ có thể ngồi một chỗ nên tôi đã học nghề và đan rọ tôm được gần 30 năm nay. Hiện trung bình mỗi tháng, tôi đan được khoảng 150-200 rọ tôm, cho thu nhập khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Công việc này giúp tôi tự nuôi sống được bản thân, phụ giúp gia đình.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sản phẩm của các hộ dân ở đây đều làm theo đơn đặt hàng và các tiểu thương đến tận nơi thu mua, chủ yếu hàng xuất bán cho các tỉnh bạn như Bắc Kạn, Bắc Giang, Hải Dương… Cùng với các ngành nghề khác, nghề đan rọ tôm đã và đang góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho nhiều người dân tại địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 31 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,23%.