Tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc

18:36, 04/12/2018

Ngày 4-12, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân (T.P Thái Nguyên) đã tổ chức buổi tổng kết đánh giá hiệu quả bước đầu Dự án Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc.

Đến dự có các đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành liên quan (ảnh).

Dự án Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư 7,9 tỷ đồng, quy mô 80 nghìn con trai giống với số lượng nhân cấy 300 nghìn viên, do Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân triển khai thực hiện. Đến nay, sau 18 tháng, tỷ lệ sống của trai đến khi thu hoạch đạt trên 65%; tỷ lệ ngậm ngọc đạt trên 75%. Dự kiến, số lượng ngọc trai thu được là hơn 200 nghìn viên với giá bán trung bình 82 nghìn đồng/viên.

 Ngoài ra, các sản phẩm khác từ trai còn được tận dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ (khảm trai), thịt trai dùng làm thức ăn chăn nuôi… Đánh giá sơ bộ, Dự án đem lại hiệu quả kinh tế khoảng 8,6 tỷ đồng; đồng thời, còn tạo ra một sản phẩm du lịch mới ngọc trai được nuôi cấy tại hồ Núi Cốc.

Sau khi Dự án đã kết thúc, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân tiếp tục triển khai nuôi cấy ngọc trên 30 nghìn con trai và xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh trong những năm tiếp theo. Cụ thể, trong thời gian tới, Công ty sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân có ao, hồ trên địa bàn chăm sóc, bảo vệ. Đến khi thu hoạch, Công ty sẽ cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nuôi, nhằm phát triển mô hình trong phạm vi toàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi tổng kết Dự án, đồng chí Trịnh Việt Hùng khẳng định, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao nổi trội so với các mô hình khác, mở ra hướng sản xuất có triển vọng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh cũng như đại diện Công ty chia sẻ kinh nhiệm, giúp đỡ về giống, kỹ thuật để bà con có điều kiện triển khai nhân rộng mô hình.