Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Có phải bài toán khó?

12:10, 14/12/2018

Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngăn chặn dịch bệnh động vật và bảo vệ môi trường, ngày 10/1/2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sự vào cuộc giải quyết của các cấp, ngành, đơn vị liên quan.  

Kỳ 1: Lãng phí các cơ sở giết mổ tập trung

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm vẫn ngang nhiên tồn tại, trong khi nhiều cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và vệ sinh thú y lại hoạt động cầm chừng hoặc bỏ không. Nghịch cảnh này khiến cho việc thực hiện mục tiêu của Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 có nguy cơ thất bại.

Đìu hiu cơ sở giết mổ tập trung

Vắng vẻ, thưa thớt người ra vào là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến cơ sở giết mổ động vật tập trung của Công ty cổ phần Hương Nguyên Thịnh, ở xóm Đà Tiến, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực tế tại khu giết mổ và nhà xử lý pha thịt của đơn vị, anh Phạm Đức Tính, Phó Giám đốc Công ty buồn rầu cho biết: Chúng tôi đã đầu tư 32 tỷ đồng để xây dựng khu giết mổ gia súc hiện đại với tổng diện tích 4,9ha, cách xa khu dân cư, bảo đảm đạt các tiêu chuẩn của lò giết mổ công nghiệp. Công suất giết mổ giai đoạn 1 chúng tôi dự kiến là 400 con/ngày, nhưng hiện nay mới chỉ đạt 20 con/ngày. Công ty đang hoạt động rất cầm chừng và gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các lò giết mổ thủ công. Trung bình mỗi tháng, Công ty phải bù lỗ trên 300 triệu đồng...

Tương tự, tình hình hoạt động tại lò giết mổ tập trung của Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây, ở xã Xuân Phương (Phú Bình) cũng khá ảm đạm. Được biết, để có đầu ra cho sản phẩm, Công ty cũng đã nhiều lần làm việc với các trường học, doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, trung bình mỗi ngày, Công ty cũng chỉ giết mổ và tiêu thụ được từ 15-20 con lợn cho các trường mầm non trên địa bàn huyện và một số doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Do lợn đưa vào giết mổ của Công ty được nhập từ các trang trại chăn nuôi có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, giá cao hơn lợn bà con tự nuôi theo phương pháp truyền thống, hơn nữa phải mất chi phí về kiểm soát giết mổ, kiểm dịch liên tỉnh… nên giá bán cao hơn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Vì thế, sản phẩm của Công ty cũng rất khó để cạnh tranh với thịt lợn được bày bán tràn lan tại chợ của các hộ giết mổ tự do.

Còn tại cơ giết mổ động vật nhỏ lẻ Trương Hà Nhi, ở chợ Gốc Bàng, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) vừa mới khai trương và đi vào hoạt động được đúng 2 ngày thì đã phải đóng cửa vì không có đầu ra.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 cơ sở giết mổ động vật, trong đó có 2 cơ sở giết mổ tập trung và 8 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Các cơ sở này đều mới được đầu tư, xây dựng khang trang, đáp ứng quy chuẩn về quy trình giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hoạt động của các sở sở này khá “lay lắt”, thậm chí có cơ sở đã phải đóng cửa, dừng hoạt động vì thua lỗ.

 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây: “Công ty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, nhưng hiện nay lại đang hoạt động cầm chừng, thua lỗ nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về chi phí sản xuất, được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng.”

Đâu là nguyên nhân?

Lý giải về lý do vì sao các cơ sở giết mổ tập trung mặc dù đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn vắng khách, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ đều cho rằng, nguyên nhân khiến số lượng cũng như công suất hoạt động của các điểm giết mổ tập trung còn hạn chế là do chưa cạnh tranh được với các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát và do các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ mất nhiều thời gian khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, kinh phí hỗ trợ thì chưa kịp thời.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu là do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phát triển tràn lan. Trong khi đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, chưa tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hiệu quả. Sự tồn tại giết mổ nhỏ lẻ với chi phí thấp dẫn tới khó kiểm soát và gây khó khăn cho các cơ sở giết mổ công nghiệp.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ; đồng thời, chưa quyết liệt trong việc đưa các điểm giết mổ nhỏ lẻ vào hoạt động tại nơi quy hoạch tập trung đã hoàn thiện, dẫn tới các điểm giết mổ tập trung đã được đầu tư hạ tầng chỉ hoạt động từ 5% đến 10% công suất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, các địa phương đang phó mặc cho ngành Nông nghiệp. Chính quyền ở cơ sở thiếu quyết liệt, chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ và chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm…

Và những hệ lụy

Từ thực tế cho thấy, hiệu quả quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều chuyển biến, vẫn tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, tình trạng buôn bán thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm dịch vẫn vô tư được bày bán mà chưa bị xử lý. Theo thống kê toàn tỉnh có khoảng 1.200 hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm và gần 700 điểm buôn bán thịt gia súc, gia cầm trên lề đường, hè phố, tụ điểm đông dân cư. Đa phần các hộ kinh doanh giết mổ cũng chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. 

Bà Nguyễn Thu Hiền, hộ kinh doanh động vật ở tổ 4, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên): “Tôi bán gà, vịt và thường thịt luôn tại chỗ theo yêu cầu của khách. Tâm lý của khách hàng là phải được tận mắt nhìn thấy con gà còn sống và được làm sạch sẽ chứ nếu mang gà đông lạnh ở các lò giết mổ tập trung về bán sẽ có ít người mua vì chưa tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được làm sẵn.”

 

Ngoài ra, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành theo quy định của Luật ATVSTP, Luật Thú y nên việc kiểm tra, kiểm soát còn nhiều bất cập. Việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm của các cấp, ngành chức năng chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe.

Như vậy có thể thấy, do hoạt động không hiệu quả, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư hàng chục tỷ đồng theo thời gian sẽ bị xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này cũng lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất khó khăn khi vừa phải lo trả nợ ngân hàng, vừa lo đầu ra...

Theo mục tiêu của Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, đến năm 2020, toàn tỉnh xây dựng được 6 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 21 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; 100% các chợ, siêu thị thuộc các phường trung tâm của thành phố, thị xã và một số thị trấn của các huyện có kinh doanh sản phẩm động vật bắt buộc phải có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Đến năm 2030, xóa bỏ hoàn toàn hình thức giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không theo quy định. 100% số chợ, siêu thị có kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn toàn tỉnh phải có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.

(Còn nữa)