Những năm vừa qua, nhiều người dân tham gia sản xuất chè an toàn với mục đích nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá bán. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận, nhiều hộ dân đã bỏ cuộc vì chưa thấy sự thay đổi rõ nét so với sản xuất chè truyền thống, sản phẩm vẫn bán trôi nổi trên thị trường. Ở Tổ sản xuất chè xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, nhờ có cách làm năng động, sáng tạo của các thành viên, đến nay, sản phẩm của người dân sản xuất đến đâu đều bán hết đến đó với giá cao.
Xóm 9 là một trong những xóm được công nhận Làng nghề chè truyền thống sớm nhất trên địa bàn thị trấn Sông Cầu (năm 2011) với gần 100% số hộ làm chè. Việc được công nhận làng nghề là niềm vui lớn, sự động viên, khích lệ đối với người làm chè để họ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm. Để nâng cao giá trị sản phẩm, tháng 7-2012, 22 hộ dân trong xóm đã đăng ký tham gia sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 17ha.
Anh Nguyễn Đức Trọng, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè an toàn xóm 9 cho biết: Để được công nhận đạt chuẩn, bà con đã phải cố gắng rất nhiều, bởi lẽ quy trình này đòi hỏi khá nghiêm ngặt, bà con phải ghi lại tất cả hoạt động khi tác động lên nương chè của mình, từ việc thăm chè, tưới chè, làm cỏ hay thu hái chè... mà điều này trước đây họ chưa từng làm. Nhưng nhờ có sự tuyên truyền, động viên của cán bộ khuyến nông, lãnh đạo xóm, người trồng chè xóm 9 đã nỗ lực thực hiện tốt các bước theo quy trình và đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, thời gian đầu, sản phẩm chè VietGAP của bà con trong Tổ sản xuất sau vẫn phải bán trôi nổi trên thị trường, giá bán lại không cao hơn so với trước. Do đó, chỉ hơn 1 năm sau, hơn 90% số hộ trong Tổ đã không thực hiện theo quy trình sản xuất chè VietGAP. Trước thực tế đó, số làm chè còn lại của Tổ đã họp bàn, tìm giải pháp để tiếp tục duy trì Tổ sản xuất. Theo đó, 7 hộ có kỹ thuật sao chè ngon trong Tổ đã đứng lên chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm chè búp tươi đạt tiêu chuẩn về chế biến, đồng thời tìm kiếm thị trường để tiêu thụ. Số hộ còn lại được giao nhiệm vụ tập trung đầu tư chăm sóc diện tích chè đã đạt chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để quảng bá được sản phẩm ra thị trường, từ năm 2016 đến nay, 7 hộ dân chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm cho người dân thường được ưu tiên tham gia các hội chợ; các lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh... Dần dà, sản phẩm chè an toàn ở xóm 9 cũng đã có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, 7 thành viên trong Tổ đang xuất bán cho khách hàng ở các tỉnh như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng... Trung bình, mỗi năm Tổ sản xuất cung ứng ra thị trường khoảng 70-80 tấn chè búp khô đạt tiêu chuẩn VietGAP, với giá bán bình quân 300.000-400.000 đồng/kg, cho thu khoảng 3 tỷ đồng.
Chị Vũ Thị Hảo, ở xóm 9 - là một trong 7 thành viên bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân cho biết: Hiện nay, tôi thu mua chè búp tươi cho 4 hộ trong Tổ, khối lượng khoảng 1,5 tấn/tháng, giá từ 22.000-25.000 nghìn đồng/kg tùy loại chè (cao hơn từ 5.000-7.000 đồng/kg so với chè thông thường). Sau đó, gia đình đã sao sấy, đóng gói dán tem, mác để bán ra thị trường các tỉnh. Vì bán được chè tươi với giá cao, thu hái đến đâu bán hết đến đó nên các hộ dân rất chăm chỉ đầu tư, chăm sóc cho nương chè của mình nhằm tăng năng suất, chất lượng để bán được với giá cao.
Để bà con nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng quy trình an toàn, các thành viên bao tiêu sản phẩm đồng thời vừa là người trong Tổ giám sát, Tổ bảo vệ thực vật. Khi cần thiết, họ đủ thẩm quyền kiểm tra các hộ dân ghi chép nhật ký nông hộ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có đúng với danh mục cho phép hay không. Chị Phạm Thị Lan, thành viên trong Tổ cho biết: Gia đình tôi có 4.000m2 chè đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đây, tôi thấy quy trình này khó thực hiện vì mình làm theo nếp cũ không phải ghi chép sổ sách bao giờ. Nhưng nay, khi làm quen rồi lại thấy đơn giản. Nhờ việc ghi chép mà tôi có thể hạch toán được kinh tế, tính được số tiền đầu tư và số tiền thu về, thấy được rõ lợi nhuận. Ngoài ra, làm chè an toàn, môi trường sống ngày càng trong lành hơn. Hiện nay, đi hái chè, chúng tôi không còn thấy mùi của thuốc diệt cỏ mà thay vào đó là mùi thơm của búp chè.
Anh Nguyễn Đức Trọng cho biết thêm: Bài toán đối với người làm chè an toàn là làm sao phải tiêu thụ được sản phẩm và tiêu thụ với giá trị cao, phù hợp với công sức mình bỏ ra. Không chỉ vậy, khi tiêu thụ được sản phẩm, nhiều nơi họ lại bị vướng vào những hợp đồng mua bán với số lượng lớn nên bị nhỡ hợp đồng. Nếu không có sự liên kết của cả Tổ thì một hộ dân không dám đứng ra chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân, do đó, sản phẩm an toàn lâu nay chưa có chỗ đứng trên thị trường cũng là điều dễ hiểu. Chúng tôi thực hiện theo chuỗi liên kết như hiện nay vừa có lợi cho người làm chè an toàn là bán được chè búp tươi ổn định với giá cao. Còn về phía người bao tiêu sản phẩm, có thời gian tìm thị trường, triển khai các thủ tục liên quan như đăng ký tem, mác; mã số, mã vạch để có thể giúp người tiêu dùng truy suất được nguồn gốc sản phẩm, do đó, sản phẩm của chúng tôi đã được khách hàng tin tưởng và sử dụng. Hiện nay, 7 thành viên trong Tổ sản xuất đều có nhiều đại lý to, nhỏ ở các tỉnh từ Bắc vào Nam.
Với sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các thành viên trong Tổ sản xuất chè an toàn xóm 9, sản phẩm chè của họ đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường. Hiện nay, có thêm 14 hộ dân làm chè trong xóm 9 xin gia nhập Tổ sản xuất. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở thị trấn Sông Cầu như ở xóm: Tân Tiến, Liên Cơ cũng đang đăng ký sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 30ha…