Có lẽ chưa năm nào, Thái Nguyên lại được đón tiếp nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư như năm 2018, khi mà đã có tới 43 nhà đầu tư đăng ký thực hiện 62 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 113 nghìn tỷ đồng. Trong số này, phần lớn các dự án đang tích cực được triển khai thực hiện, hứa hẹn mang đến sự khởi sắc mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhìn lại những kết quả đạt được trong năm 2018 với tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu Thái Nguyên được xếp trong tốp các tỉnh dẫn đầu khu vực và cả nước, như giá trị xuất khẩu hàng hóa, giá trị sản xuất công nghiệp…, mới thấy được, vì sao kết quả trong thu hút đầu tư của tỉnh cũng đạt được nhiều thành công đến vậy.
2018 cũng là năm tỉnh ta tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan ngoại giao, các đoàn đại biểu quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn kinh tế đa quốc gia… Đã có 50 dự án được trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 47 nghìn tỷ đồng.
Sau Hội nghị, hàng chục nhà đầu tư khác cũng đã tiếp tục đến tìm hiểu, trong đó có thêm 5 biên bản ghi nhớ được ký. Và để cụ thể hóa các cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnhdo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban đã được thành lập. Hàng tháng, đều có báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện các dự án với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua đó, những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư được quan tâm, giải quyết kịp thời.
Tiếp nối làn sóng đầu tư sôi động đó, “mở hàng” cho năm Kỷ Hợi 2019, ngày 10-1, Ban lãnh đạo Central Group Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh để tìm hiểu đầu tư Trung tâm Thương mại BigC trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Theo bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Điều hành BigC Khu vực miền Bắc: Sở dĩ Central Group muốn mở chi nhánh BigC tại Thái Nguyên là bởi nhận thấy nhiều tiềm năng trong phát triển của tỉnh, như có mật độ dân số đông, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Cùng với đó, sự phát triển của tỉnh phù hợp với định hướng chiến lược của BigC. Mặc dù lần đầu tiên làm việc với tỉnh, nhưng chúng tôi đã cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo và các sở, ngành. Tôi tin tưởng, sự có mặt của BigC cũng sẽ giúp việc tiêu thụ nông sản và các sản phẩm khác của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ hiệu quả hơn, bởi với chiến lược địa phương hóa, BigC sẽ thu mua nông sản và các sản phẩm của địa phương để bán trong hệ thống của mình. Trên thực tế, tuy BigC chưa có mặt tại Thái Nguyên nhưng nhiều sản phẩm của tỉnh đã được bán trong hệ thống của BigC. Tính đến đầu năm 2019, BigC có mặt ở 26 tỉnh, thành. Và theo định hướng, sẽ là 63/63 tỉnh, thành.
Đến với Thái Nguyên trước BigC khoảng 6 tháng, T&T Group đã có được bản ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với tỉnh 5 dự án vào ngày 11-9-2018, với tổng mức đăng ký đầu tư trên 46 nghìn tỷ đồng, gồm các lĩnh vực: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái; giao thông; sản xuất nông nghiệp; xử lý rác thải... Trong số này, đáng chú ý là Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, đô thị sinh thái Đông Tam Đảo và tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tổng vốn đầu tư khoảng 43 nghìn tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 4 tháng bắt tay để cụ thể hóa biên bản ghi nhớ, T&T đã làm việc với các sở, ngành liên quan của tỉnh để thống nhất những nội dung dự kiến, kế hoạch triển khai cụ thể của từng dự án; thống nhất ranh giới thực hiện dự án với địa phương nơi triển khai dự án; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch...
Riêng đối với “đại dự án” nêu trên, dự kiến trong quý II hoặc quý III/2019, nhà đầu tư sẽ lập xong quy hoạch và trình các cơ quan chức năng thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo ông Doãn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn: Sở dĩ T&T chọn Thái Nguyên để đầu tư là bởi hiện tỉnh hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà nhiều nhà đầu tư mong muốn.
Còn theo ông Lê Thành Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư FLC: Mặc dù chỉ mới tiếp cận với Thái Nguyên, nhưng khối lượng công việc mà chúng tôi đã triển khai để thực hiện 2 dự án được ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư là rất lớn. Điều này cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của tỉnh. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao công tác thu hút đầu tư của Thái Nguyên. Trong khi bức tranh chung thực hiện thủ tục đầu tư của nước ta còn khá chậm, nhưng với Thái Nguyên, chúng tôi kỳ vọng sẽ được rút ngắn bởi sự quyết liệt vào cuộc chỉ đạo của tỉnh, từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đến các sở, ngành của tỉnh. Không chỉ quyết liệt, tinh thần giải quyết công việc của lãnh đạo tỉnh cũng rất cởi mở, khi cho phép nhà đầu tư đề xuất các vấn đề, hay tổ chức họp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, từ vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Một yếu tố quan trọng nữa chính là môi trường đầu tư chung của tỉnh hiện rất tốt. Với việc phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và cùng lúc thu hút được nhiều nhà đầu tư, cũng đang tạo ra thế mới cho sự phát triển của tỉnh. Nếu nói về câu chuyện thị trường thì điều này chính là tạo ra một xung lực mới và đây là điều quan trọng. FLC cùng với các nhà đầu tư khác sẽ tận dụng được các cơ hội đó, để tạo sự phát triển cho tỉnh.
Không chỉ có các nhà đầu tư ngoài tỉnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động. Đó là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG với hàng loạt dự án nhà máy may ở các huyện, các dự án nhà ở xã hội, khu tái định cư, dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1; Hay như Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng với Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng; Dự án Công viên giáo dục trải nghiệm; Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ với Dự án nâng cấp sửa chữa các chung cư tại phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên; Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên với Dự án mở rộng giai đoạn II... Theo báo cáo tiến độ triển khai các dự án gần đây nhất của UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2018, ngoài 6 dự án của 4 nhà đầu tư xin thôi hoặc giãn tiến độ thực hiện, còn lại đều đang trong quá trình triển khai theo quy định và kế hoạch của nhà đầu tư.
Có thể nói, với việc cùng lúc triển khai nhiều dự án, trên nhiều lĩnh vực, ở tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn đã và đang tạo ra diện mạo và sức sống mới cho tỉnh. Mỗi người dân Thái Nguyên đều có quyền tự hào và được thừa hưởng thành quả từ sự đổi thay này. Nhưng đi kèm với đó, mỗi người cũng sẽ phải nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn trong việc góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, giữ gìn an ninh trật tự, hay đơn giản là tự nâng cao trình độ, kiến thức để đáp ứng được yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của nhà đầu tư...