Nhằm khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn, từ năm 2016 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa đã triển khai hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới trên địa bàn huyện. Sau một thời gian đi vào hoạt động, những mô hình này đã từng bước khẳng định được tính ưu việt trong thực tế sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và mở ra hướng canh tác mới cho người nông dân.
Những ngày này, có mặt tại cánh đồng rau của xóm Vườn Rau, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), chúng tôi được thỏa sức ngằm nhìn một màu xanh mướt của đủ các loại rau đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ở đây những ruộng rau được trồng trong nhà có mái che bằng nilon và được chăm sóc theo công nghệ mới của Israel với hệ thống tưới tự động rất hiện đại. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chì, xóm Vườn Rau cho biết: Chúng tôi gắn bó với nghề trồng rau từ nhiều đời nay. Xóm hiện có hơn 10 hộ trồng rau quanh năm với diện tích khoảng 5ha. Trước đây, việc sản xuất rau của chúng tôi vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Mỗi khi thời tiết bất thuận như: nắng nóng, mưa bão, sương muối… thì cây rau sinh trưởng, phát triển kém và phát sinh nhiều sâu bệnh, dẫn đến năng suất và sản lượng thấp.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, sau khi được Trạm Khuyến nông hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà có mái che, việc sản xuất rau của chúng tôi không bị tác động nhiều bởi yếu tố thời tiết nên cây rau phát triển tốt, ít sâu bệnh, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học vì thế cũng được hạn chế rất nhiều, năng suất rau thu được cao hơn. Hiện, gia đình tôi có 6 sào trồng các loại rau theo mùa vụ như: cải xanh, cà chua, mướp đắng, su hào…Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 tấn rau các loại, thu lãi trên 10 triệu đồng. Sản phẩm rau của gia đình tôi hiện nay đang cung cấp cho các trường mầm non và bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện.
Gia đình ông Hứa Văn Tú, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường cũng là một trong những hộ được Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới. Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình (từ đầu năm 2017 đến nay), 4 sào rau của gia đình ông năm nào cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình ông đang tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm nhà mái che để mở rộng diện tích trồng rau theo công nghệ mới. Ông Tú chia sẻ: Sản xuất rau trong nhà có mái che không chịu nhiều tác động của thời tiết nên gia đình tôi có thể trồng rau quanh năm. Vào thời điểm chính vụ, năng suất rau trong nhà lưới cao hơn từ 30-40 % so với ngoài trời. Đặc biệt, vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rau trồng trong nhà lưới đảm bảo các tiêu an toàn và được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi sản xuất được trên 1 tấn rau các loại nhưng đều được các nhà hàng và bếp ăn tập thể đặt hàng thu mua hết, không phải mang ra chợ bán như trước đây.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa đã triển khai hỗ trợ thực hiện 6 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới với tổng diện tích trên 8.000m2 của 5 hộ gia đình và 1 hợp tác xã tại xã Kim Phượng, Bảo Cường và thị trấn Chợ Chu. Thực hiện mô hình này, Trạm Khuyến nông huyện đã hỗ trợ trên 800 triệu đồng để người dân xây dựng nhà mái che nilon và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.
Ngoài ra, các hộ dân tham gia mô hình còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo công nghệ của Israel. Theo đánh giá của Trạm khuyến nông huyện Định Hóa, kinh phí để đầu tư xây dựng nhà mái che và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động khoảng 50 triệu đồng/sào. Mặc dù kinh phí đầu tư khá lớn song hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn từ 1,5 -2 lần so với việc trồng rau ngoài trời.
Nếu như trước đây, người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống, 1 sào rau chỉ cho thu nhập từ 10 đến 14 triệu đồng/lứa thì nay việc sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới cho thu nhập trên 35 triệu đồng/lứa. Ưu điểm vượt trội của mô hình này đó là việc khắc phục được những yếu tố bất lợi của thời tiết như: giá rét, sương muối, mưa dầm… Mặt khác, do sử dụng hệ thống tưới nước tự động nên tiết kiệm được nhân công lao động, giảm chi phí trong sản xuất.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Phùng Đức Tuân, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Định Hóa cho biết: Sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho người nông dân mà quan trọng hơn là nó đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng. Không những thế, sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn huyện.
Mặc dù hiệu quả mà mô hình đem lại là rất tích cực, tuy nhiên, hiện nay, việc nhân rộng mô hình đang gặp phải khó khăn do đòi hỏi chi phí đầu tư cao (khoảng 50 triệu đồng/sào) nên nhiều hộ nông dân chưa dám mạnh dạn đầu tư thực hiện. Để mô hình này được nhân rộng, thời gian tới,Trạm Khuyến nông huyện cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ khoa học kỹ thuật để người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hướng tới sản xuất rau an toàn nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.