Có thể nói, với sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, thì việc hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài được bày bán phổ biến khắp các cửa hàng, siêu thị là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng không vì thế, các sản phẩm nội, đặc biệt là hàng tiêu dùng bị lép vế, mà ngược lại đang ngày càng tạo ra được sức hút với số đông người dân. Bên cạnh yếu tố chất lượng, giá cả mà nhà sản xuất ngày càng quan tâm, chú trọng thì sức lan tỏa từ Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã và đang góp phần giúp hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng và mỗi tổ chức, cá nhân lại có cách hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Mặc dù không có con số thống kê chính xác về tỷ lệ hàng hóa Việt trên tổng lượng hàng hóa bán ra trên địa bàn tỉnh, nhưng qua tìm hiểu thực tế của chúng tại nhiều cửa hàng bán các loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, túi xách, văn phòng phẩm, cửa hàng tạp hóa, siêu thị đến các sản phẩm điện tử, điện lạnh…, điều dễ dàng nhận thấy đó là số lượng, chủng loại các loại sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ “Việt Nam” được bày bán và tiêu thụ ngày một nhiều.
Chị Nguyễn Thị Kim Tâm, Chủ một cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu khách mua sản phẩm trong nước nhất là sữa bột, bánh kẹo tăng đáng kể. Vì thế, cửa hàng tôi cũng nhập nhiều hơn các chủng loại, mẫu mã của các công ty trong nước, nhất là các công ty đã khẳng định được « tên tuổi » trên thị trường. Ngoài ra, nhằm hưởng ứng Cuộc Vận động « Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam » do Chi hội Phụ nữ xóm tôi phát động, tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện về chỗ kê cho những công ty, doanh nghiệp nội để giới thiệu những sản phẩm mới. Nếu là sản phẩm của tỉnh thì càng được tạo điều kiện hơn, như mì gạo Định Hóa, miến Việt Cường, trà xanh Tân Cương… Trong quá trình bán hàng, tôi thường tư vấn, giới thiệu cho khách mua sản phẩm trong nước mà bản thân từng sử dụng thấy là “ổn”. Nhiều khách “khá giả” vẫn thường chọn mua bánh kẹo ngoại, khi thấy tôi mời mua sang hàng Việt, họ thường không mấy mặn mà, thậm chí còn thẳng thừng từ chối. Vì thế, không ít lần để chứng minh cho khách, tôi bóc luôn gói bánh hoặc kẹo mới để mời họ ăn thử. Qua đó, đã có không ít người giảm, thậm chí là bỏ thói quen sính hạng ngoại, mà chú ý hơn đến hàng nội. Đó cũng là cách để giúp hàng Việt đến được nhiều hơn với người tiêu dùng.
Cũng là cách nhằm hưởng ứng Cuộc vận động, các sở, ngành, địa phương và đơn vị trên địa bàn tỉnh những năm qua đã tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa, thiết bị được sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển, cũng như trong hoạt động mua sắm thường xuyên. Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Hưởng ứng Cuộc Vận động, đơn vị luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm văn phòng phẩm, quà tặng cho khách hàng, quần áo đồng phục của cán bộ, nội thất, trang thiết bị… có xuất xứ trong nước nếu sản phẩm đó có chất lượng và giá bán tương đương hoặc cao hơn không đáng kể so với hàng nhập ngoại. Qua thực tế sử dụng, tôi nhận thấy, nhiều sản phẩm trong nước ngày càng được cải tiến về mẫu mã, chất lượng và giá cả cũng rất phù hợp, thậm chí có những mặt hàng còn tốt hơn hàng ngoại, mà giá lại rẻ hơn rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn những sản phẩm chưa thể cạnh tranh với hàng nhập. Điều này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp sản xuất phải nâng cao hơn nữa trong việc cải tiến, đầu tư trang thiết bị cũng như trình độ sản xuất…
Còn theo ông Đặng Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế: Trong những năm qua, triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Sở đã triển khai, hướng dẫn các bệnh viện, các cơ sở y tế và người dân trong việc kê đơn, sử dụng thuốc nội đối với những loại thuốc có chất lượng tương đương thuốc ngoại, mà giá bán lại rẻ hơn hoặc ngang bằng thuốc ngoại. Qua đó, góp phần giảm đáng kể chi phí trong điều trị cho người bệnh. Đến nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã sử dụng trên 50% sản phẩm thuốc do Việt Nam, sản xuất, trong đó tỷ lệ sử dụng của tuyến tỉnh là 40%, tuyến huyện là trên 60%. Đối với lực lượng quản lý thị trường, ông Nguyễn Tiến Chiến, Phó Đội trưởng Đội liên ngành, Cục Quản lý thị trường tỉnh thì cho biết: Việc tăng cường tuần tra, kiểm soát thị trường và các cơ sở sản xuất, kinh doanh với trung bình mỗi năm lên tới hàng nghìn cuộc, qua đó đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo… cũng là cách để bảo vệ, phát triển hàng hóa thương hiệu Việt.
Đánh giá về hiệu quả thực hiện Cuộc Vận động, ông Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, nhiều sản phẩm sản xuất ra đã từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường trong nước…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn một số mặt hàng có giá bán cao hơn hàng nhập khẩu; nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng tới thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khiến việc đưa hàng hóa về các địa bàn này còn hạn chế hoặc chưa đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của bà con… Vì thế, để hàng Việt thực sự là của người Việt, được người Việt tin dùng, thì bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cũng như của các cấp, ngành trong tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân hưởng ứng Cuôc Vận động, thì bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mà sản phẩm và quan tâm, làm tốt hơn công tác thị trường. Có như vậy, hàng Việt mới tiếp tục có được chỗ đứng và không bị thu ngay trên sân nhà, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực.