Nhiều nỗ lực trong xử lý nợ xấu

11:31, 18/01/2019

Mặc dù tổng dư nợ đã đạt tới 3.241 tỷ đồng, nhưng nợ xấu của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Thái Nguyên vẫn được duy trì ở mức rất thấp, chỉ chiếm 0,06% trên tổng dư nợ, với 1,4 tỷ đồng. Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, để có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi cán bộ NHCSXH tỉnh thì không thể không nói tới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Thực tế cho thấy, trong hoạt động của bất cứ ngân hàng nào thì chất lượng tín dụng bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, trong đó, tỷ lệ nợ xấu là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá. Cũng thông qua tỷ lệ nợ xấu sẽ thấy được hiệu quả sử dụng của đồng vốn cho vay. Đối với NHCSXH, khi mà hầu hết khách hàng đều là hộ chính sách, hộ sống ở vùng đặc biệt khó khăn, nếu không quan tâm, chú trọng đến vấn đề xử lý thì nợ xấu sẽ rất dễ nảy sinh. Từ thực tế này, những năm qua, trong hoạt động tín dụng của NHCSXH tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác từ tỉnh đến huyện, xã, xóm. Trong đó có việc chủ tịch UBND cấp xã là thành viên ban đại diện NHCSXH cấp huyện.

Theo quy định, mỗi tháng một lần, Phòng Giao dịch NHCSXH thuộc địa bàn đều thực hiện giao dịch vào 1 ngày cố định tại tất cả các xã, thị trấn. Tại buổi giao dịch đó, ngoài việc thu lãi, thu nợ đến hạn thì một trong những nội dung chính là công tác giao ban giữa cán bộ NHCSXH với chính quyền địa phương và các thành viên Ban đại diện, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của các xóm. Thông qua giao ban, NHCSXH sẽ nắm bắt được hộ nào sử dụng vốn không hiệu quả, gặp rủi ro trong sản xuất; hộ nào bỏ khỏi nơi cư trú, thuộc đối tượng được khoanh nợ, xóa nợ… để từ đó có các giải pháp, biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định.

Nói về công việc xử lý rủi ro, ông Lê Văn Hồng chia sẻ: Đối với những trường hợp người vay vẫn ở tại địa phương thì NHCSXH sẽ phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể của xóm để tìm hiểu nguyên nhân khiến việc sử dụng vốn kém hiệu quả, từ đó có giải pháp tháo gỡ. Còn với các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương, việc xử lý là khá vất vả. Có trường hợp, tới 5-7 năm sau, ngân hàng mới xác định được địa chỉ mà họ chuyển đến. Đa số các trường hợp này, khi họ chuyển đến nơi ở mới, đều không báo với chính quyền địa phương cũng như xóm. Có hộ, sau khi chuyển đi, vẫn nhờ người quen nộp lãi hàng tháng cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nên có khi phải nhiều tháng sau đó, mới phát hiện hộ đó đã bỏ đi khỏi địa phương. Lúc này, cán bộ ngân hàng phải phối hợp với các hội, đoàn thể của xóm động viên, tuyên truyền để người nhà hoặc người thân cung cấp địa chỉ nơi đến của người vay. Trong trường hợp đã xác định được địa chỉ mà người vay vẫn không hợp tác, thì NHCSXH nơi cho vay sẽ phối hợp với NHCSXH nơi người vay chuyển đến để thực hiện việc yêu cầu trả nợ. Tính đến nay, đã có 52 trường hợp hộ vay bỏ khỏi nơi cư trú, trong đó hơn 10 trường hợp xác định được địa chỉ.

Đơn cử như trường hợp của chị Bùi Thị Phượng, mồ côi cả bố và mẹ, người của xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ có hợp đồng vay vốn học sinh, sinh viên (học tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch) trực tiếp vay tại NHCSXH tỉnh với số tiền 10 triệu đồng, vay làm 2 đợt năm 2011 và 2012. Thời hạn trả cuối cùng ngày 7-10-2014. Tuy nhiên, tháng 9-2012, sau khi ra trường, chị Phượng đã không thông tin gì với NHCSXH tỉnh và cũng không trở về địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu. Vì thế, cán bộ NHCSXH đã phải khá vất vả trong việc tìm hiểu thông tin về chị Phượng, thậm chí còn phải đến tận Phú Thọ. Và rồi, cho đến tháng 5-2018, NHCSXH tỉnh mới biết được địa chỉ nơi ở và số điện thoại mới để liên hệ với chị Phượng. Đến nay, người vay đã trả được 1/3 số nợ.

Hay như trường hợp của hộ vay Bàn Thị Thu Hương, người xã Cây Thị (Đồng Hỷ), lấy chồng ở xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên, trước thuộc huyện Phú Bình). Năm 2012, chị Hương vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng của NHCSXH Phú Bình để nuôi bò. 3 năm sau, chị trả được 5 triệu đồng nhưng sau đó, chị đã không còn ở tại địa chỉ vay vốn. Sau nhiều lần NHCSXH huyện Phú Bình phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể địa phương đến vận động gia đình chồng (cùng chung hộ khẩu) trả nợ thay chị nhưng không nhận được sự hợp tác nên NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể xã Cây Thị đến động viên bố mẹ đẻ của chị. Kết quả là trong tháng 12-2018, số nợ gốc đã được bố đẻ chị chuyển trả vào tài khoản của ngân hàng.

Đối với các khoản nợ bị rủi ro buộc phải xóa nợ hoặc khoanh nợ, NHCSXH nơi cho vay có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng hoặc người nhà lập thủ tục đề nghị xử lý rủi ro và phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị xử lý theo quy định. Chỉ tính riêng năm 2018, Chi nhánh đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt xử lý rủi ro xóa nợ cho 27 món vay, với số tiền 599 triệu đồng. Phần lớn các khoản được xóa nợ đều là do cả người vay và người được thừa kế đã chết, hoặc cả người vay và người thừa kế mất khả năng trả nợ. Chẳng hạn như đối với trường hợp vay ở xóm Nương Lao, xã Cát Nê, huyện Đại Từ, người vay là chị Nguyễn Thị Hương đã chết, trong khi những người trong hộ khẩu gồm mẹ chị Hương thì đã già, còn chị gái bị khuyết tật thần kinh trí tuệ nên đã được NHCSXH Trung ương xóa nợ. Thông qua việc xử lý nợ rủi ro kịp thời đã góp phần giúp các đối tượng vay vốn cũng như người thân của họ tháo gỡ được khó khăn, ổn định tư tưởng và đời sống.

Có thể nói, hiệu quả mang lại từ công tác xử lý nợ xấu đã và đang góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH tỉnh. Nhờ đó, trong những năm qua, NHCSXH Thái Nguyên luôn được NHCSXH Việt Nam đánh giá là đơn vị xuất sắc nhất khu vực III (gồm 7 tỉnh).