Đồng Hỷ là địa phương có diện tích rừng lớn thứ 2 (sau huyện Võ Nhai) trên địa bàn tỉnh với trên 24 nghìn ha, trong đó có gần 18.400ha là rừng sản xuất. Với lợi thế trên, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích người dân tập trung đầu tư vào trồng rừng, trong đó, chủ yếu là trồng các giống keo lai, keo Úc. Sau khoảng 5-6 năm, mỗi héc ta rừng, bà con thu được trên 100 triệu đồng, nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Những năm gần đây, chè và keo được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân huyện Đồng Hỷ. Đến các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Hỷ hiện nay, những diện tích đồi, núi bỏ hoang trước đây đều đã được người dân phủ kín một màu xanh của những vạt rừng keo. Ông Phùng Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Trước những năm 1993, rừng ở Đồng Hỷ chủ yếu là rừng tự nhiên với các loại cây như lau, sậy, guột... Tuy nhiên, từ năm 1993 trở lại đây, với mục tiêu nhằm nâng cao diện tích và độ che phủ rừng, Nhà nước đã triển khai Chương trình 327 (thực hiện từ 1993-1998), kế tiếp là Dự án 661 (thực hiện từ 1998-2010). Cây keo cũng được đưa vào trồng từ thời điểm đó. Sau 5-6 năm, khi keo được khai thác, thấy được hiệu quả kinh tế nên bà con đã mở rộng diện tích trồng keo. Hiện nay, mỗi héc ta keo (từ 4-6 năm tuổi), người dân có thể thu từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, trừ các chi phí có thể thu lãi 60-80 triệu đồng/ha.
Hợp Tiến là xã có diện tích rừng lớn nhất so với các địa phương khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với 3.800ha. Toàn bộ diện tích này đã được người dân phủ xanh bằng những vạt keo và tre phấn. Mỗi năm, bà con xuất bán hàng trăm tấn keo và tre phấn cho các xưởng chế biến gỗ, xưởng sản xuất tăm trên địa bàn xã và các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhờ có rừng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng/người/năm (năm 2015, là 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 34,96% (năm 2016, tỷ lệ này còn 43,84%).
Gia đình ông Phan Đức Hiện, ở xóm Bãi Vàng được biết đến là hộ có nhiều rừng nhất của xã Hợp Tiến với 30ha rừng, trong đó 1/3 diện tích là cây tre phấn, còn lại là giống keo lai. Bình quân, mỗi năm, từ việc bán tre phấn và keo lai, gia đình ông thu được khoảng 200 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Cũng như Hợp Tiến, Văn Hán là địa phương có diện tích rừng trồng lớn với 3.000ha, 100% là cây keo lai. Phát triển kinh tế từ rừng trồng cũng là một trong những chương trình của xã Văn Hán nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Ngoài cây chè thì cây keo là nguồn thu thứ 2 của bà con trên địa bàn xã với khoảng 2/5 tổng số hộ tham gia. Phát triển kinh tế rừng đã giúp người dân nâng cao nhận thức về trồng và bảo vệ rừng. Rừng trồng ngày càng có chất lượng và phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Địa phương cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân làm tốt công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Có nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện cũng vì thế mà được thành lập. Toàn huyện hiện có 81 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, trong đó, có 19 cơ sở kinh doanh gỗ bóc, ván dăm và 62 cơ sở chế biến đồ mộc gia dụng; 100% các cơ sở đều sản xuất, kinh doanh và chế biến sản phẩm là gỗ rừng trồng khai thác trên địa bàn huyện. Các cơ sở này đi vào hoạt động không chỉ giúp bà con tiêu thụ được nguồn nguyên liệu mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.
Theo thống kê, tại 81 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, với mức lương bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Đơn cử như ở xưởng chế biến ván băm của anh Trần Văn Hải, ở xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo, hiện đang tạo việc làm cho 9 lao động tại địa phương với mức lương bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, mỗi năm, cơ sở của anh thu mua khoảng 7.000-8.000 tấn keo cho bà con trên địa bàn xã Khe Mo và một số xã lân cận, doanh thu mỗi năm đạt từ 7-8 tỷ đồng. Hay như xưởng chế biến của anh Nguyễn Văn Huy, xóm Vân Hòa, xã Văn Hán, hiện đang tạo việc làm cho 7 lao động, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phùng Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Rừng đem lại nguồn thu khá cao cho bà con nên khoảng 7-8 năm trở lại đây, ý thức tự giữ rừng của người dân rất cao. Để tiếp tục phát huy lợi thế từ rừng trồng, với trách nhiệm, chức năng của mình, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan liên quan làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, Hạt cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng cây giống trồng rừng nhằm cung cấp cho người dân cây giống tốt nhất, nâng cao giá trị từ rừng trồng. Trong năm 2018, đơn vị đã tổ chức 3 đợt kiểm tra chất lượng cây giống tại 30 vườn ươm trên địa bàn. Qua đó, các vườn ươm đều chấp hành tốt các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, số lượng cây giống. Nhờ đó, chỉ tiêu trồng rừng mới hằng năm của huyện đều vượt từ 20-30% kế hoạch. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn huyện đã trồng được gần 1.300ha, vượt gần 30% so với kế hoạch (kế hoạch là 1.000ha/năm), bằng gần 147% so với cùng kỳ năm 2017…
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tới người dân địa phương; tăng cường kiểm tra các chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép...