Tết Nguyên đán gần kề, câu chuyện thời sự được nhiều người trong xã hội quan tâm là tiền lương và tiền thưởng Tết. Nhất là ở thời điểm này, có nhiều người đi làm việc xa trở về gia đình chuẩn bị đón Xuân mới, cũng vì thế mà nhu cầu mua sắm cho ngày Tết tăng cao.
Tại các chợ tỉnh, huyện và chợ phiên, chúng tôi thấy hàng hoá bày bán phong phú, đa dạng từ vải vóc, quần áo, giày dép, đồ điện các loại đến các loại thực phẩm, rau, của, quả tươi... Khá nhiều hàng hoá mang nhãn hiệu Việt Nam. Nhiều tư thương cho rằng: Những năm gần đây, nhà sản xuất trong nước đã quan tâm hơn tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá cả lại phải chăng nên hàng Việt Nam bán chạy hơn so với các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng chủ động lựa chọn mua hàng Việt, có nhãn mác, thời gian sử dụng rõ ràng và không lo bị ngâm, tẩm hoá chất gây hại cho sức khỏe.
Hàng Việt Nam đã được nhiều gia đình lựa chọn, ưu tiên mua sắm. Đây là một thành công của các doanh nghiệp Việt trong việc tuyên truyền, quảng bá về thương hiệu sản phẩm của mình. Trong thành công đó, còn có sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Vệt Nam". Theo ông Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động: Từ nhiều năm gần đây, Cuộc vận động đã đi vào đời sống xã hội. Người tiêu dùng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Nhà sản xuất, kinh doanh đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thiết lập kênh bán hàng và hệ thống phân phối mới, đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến người tiêu dùng. Các Hội, hiệp hội, nhà sản xuất, doanh nghiệp chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, áp dụng khoa học quản lý, nâng cao chất lượng hàng hoá, xây dựng thương hiệu, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm, quan tâm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ quan, lực lượng chức năng được tăng cường. Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội.
Để đạt được kết quả nêu trên, hằng năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp được kiện toàn. Theo đó, các đơn vị thành viên chủ động triển khai kế hoạch thực hiện, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Các cấp, ngành thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, nhà sản xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm sản xuất trong nước để người tiêu dùng biết, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm. Điển hình là sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động, về chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi”; duy trì chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”…
Một thuận lợi nữa là UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển Công nghiệp, thương mại tỉnh; thành lập Hội đồng xét duyệt danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020… Nhiều đề án quan trọng mang tầm nhìn đến năm 2030, như: Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; “Nghiên cứu thị trường xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử tỉnh Thái Nguyên”; “Xây dựng Chương trình phát triển Thương mại, Công nghiệp, TTCN Làng nghề tỉnh Thái Nguyên” và Đề án “Định hướng chiến lược xuất khẩu và nâng cao giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên”... Trong năm, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công Lễ hội Hương sắc Trà xuân tại xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Lễ hội Trà Đại Từ năm Mậu Tuất, Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương. Qua đó, góp phần quảng bá thương hiệu chè, lưu giữ bản sắc văn hóa trà, quảng bá phát triển du lịch cộng đồng ở vùng chè, đồng thời tạo cơ hội và điều kiện cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp, các hợp tác xã liên kết trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè.
Một số đơn vị cấp huyện như Đại Từ, Đồng Hỷ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Sở Công Thương, các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhân đó quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như chè, miến dong, nấm, mật ong…đến các thị trường trong nước.
Hưởng ứng Cuộc vận động, ngành Y tế của tỉnh hướng dẫn các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn vận động bệnh nhân điều trị bằng thuốc Việt Nam. Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế: Hiện các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn của tỉnh đã sử dụng hơn 50% sản phẩm thuốc của Việt Nam, với tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước của các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đạt gần 60%; tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước của các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh đạt hơn 40%...
Bằng sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị và nhà sản xuất, hàng Việt từng bước “bén rễ sâu” vào cuộc sống xã hội, tạo hấp dẫn cho người tiêu dùng thông minh lựa chọn, bỏ tiền mua hàng nhãn hiệu Việt Nam.