Để sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế, châu Âu và xuất khẩu đi nước ngoài, Công ty cổ phần (CP) Đúc Thái Nguyên (Cụm công nghiệp Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên) đã đầu tư nhiều thiết bị, máy móc sản xuất hiện đại. Trong năm nay, Công ty có kế hoạch đầu tư dây chuyền đúc cát tươi hiện đại của Hàn Quốc để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Đến Công ty CP Đúc Thái Nguyên vào dịp trung tuần tháng 2, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc rất hối hả. Tại khu vực sản xuất, hơi nóng từ lò nung gang tỏa ra khắp nơi. Những mẻ gang sáng rực được người thợ tỉ mỉ rót vào các khuôn đúc. Còn tại kho bãi, hàng trăm sản phẩm nắp ga cống, song chắn rác với đủ các hình dáng vuông, tròn được xếp thành hàng dài. Kế bên những lô hàng đang đóng gói, vận chuyển đi tiêu thụ là những sản phẩm mới ra lò, bề mặt còn ướt và phảng phất mùi sơn.
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty phấn khởi nói: Bước vào năm 2019, Công ty đặt mục tiêu đúc 4.000 tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2018, tương đương với doanh thu khoảng 50 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi đã ký được các đơn hàng đúc, gia công các sản phẩm như nắp ga cống, song chắn rác đến hết quý II/2019. Trong đó, số lượng sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 80 tấn/tháng. Qua trao đổi với ông Hòa, được biết Công ty đã ký được các đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc từ những năm 2013. Thậm chí, trước đó nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã tìm đến đơn vị, đặt vấn đề hợp tác sản xuất với số lượng lớn nhưng do công nghệ đúc của Công ty còn lạc hậu (đúc thủ công) nên sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng và giá thành. “Nhận thấy được điểm hạn chế này, thời gian qua, chúng tôi đã tìm hiểu các công nghệ đúc tiên tiến và mạnh dạn đầu tư dây chuyền đúc cát Furan trị giá 11 tỷ đồng, chuyên để phục vụ mặt hàng xuất khẩu” - ông Hòa cho biết thêm.
Theo đó, hệ thống đúc cát Furan được sản xuất tại Nhật Bản hoạt động theo cơ chế bán tự động. Trong đó, toàn bộ công đoạn đúc khuôn cát được máy móc thực hiện thay con người nên sản phẩm đúc làm ra có sự đồng đều về đường kính, kiểu dáng và bề mặt so với dây chuyền đúc thông thường. Đặc biệt, công suất hoạt động của máy tăng gấp 5 lần so với dây chuyền thủ công (tương đương khoảng 10 tấn sản phẩm/ngày), đồng thời giảm được 5 người lao động/ca. Từ việc tăng độ chính xác khi đúc sản phẩm cũng đã giúp đơn vị giảm bớt thời gian và chi phí sản xuất ở những công đoạn tiếp theo như gia công chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm.
Ngoài đầu tư dây chuyền đúc cát Furan, trong năm 2013 và 2014, Công ty còn liên tục đầu tư các máy phân tích quang phổ của Thụy Sĩ, Cộng hòa Liên bang Đức với kinh phí hàng tỷ đồng. Chiếc máy phân tích quang phổ có tác dụng đọc tên, hàm lượng các thành phần nguyên tố hóa học có trong các loại gang. Qua đó, giúp quá trình phân tích, xác định định lượng thành phần hóa học của sản phẩm đúc đạt được độ chính xác cao mà khách hàng mong muốn.
Từ việc mạnh dạn đầu tư và áp dụng các công nghệ, máy móc sản xuất trên, sản phẩm đúc của Công ty đã được nâng cao về chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Từ năm 2013 đến nay, Công ty xuất khẩu sang Hàn Quốc từ 800-1.000 tấn sản phẩm đúc/năm, tăng doanh thu thêm cho đơn vị từ 15-20%. Hiện nay, các sản phẩm đúc đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn châu Âu (EN 124-1994) và quốc tế (ISO 9000:2008). Song song với phục vụ thị trường xuất khẩu thì Công ty vẫn duy trì dây chuyền đúc thủ công để sản xuất các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa. Các sản phẩm đúc nội địa của đơn vị vẫn khẳng định được chất lượng và đã có mặt ở nhiều công trình của các tập đoàn lớn như VinGroup, FLC Group…
Công ty còn đang giải quyết việc làm ổn định cho 60 người lao động, với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Được biết, cuối năm nay, Công ty có kế hoạch đầu tư thêm một dây chuyền đúc cát tươi hiện đại của Hàn Quốc, kinh phí khoảng 40 tỷ đồng để nâng công suất hoạt động của mình thêm 50 tấn sản phẩm đúc/ngày. Sở dĩ có kế hoạch này là do hiện nay Nhà máy đang gần phát huy hết công suất và nhận được thêm nhiều đề nghị hợp tác sản xuất từ phía các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng tại Trung Quốc. Các đơn vị này đang có xu hướng dịch chuyển các đơn hàng từ phía Trung Quốc về Việt Nam trong thời gian tới để giảm chi phí nhân công lao động và tránh bị áp thuế xuất khẩu cao đối với sản phẩm đúc…