Tiết kiệm từ 30-50% lượng chất đốt so với bếp kiềng truyền thống, giảm đến 70% khói bụi, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn… Đó là những lợi ích từ bếp đun tiết kiệm, lò sao chè cải tiến đã và đang được người dân sử dụng phổ biến từ nhiều năm nay.
Bếp đun và lò sao chè cải tiến đang được người dân sử dụng phổ biến xuất phát từ Dự án phát triển bếp đun, lò sao chè cải tiến ĐK. Đây là dự án do Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai. Sau một thời gian sử dụng, lò sao chè cải tiến và bếp đun tiết kiệm được người dân và đơn vị triển khai Dự án đánh giá giảm đến 70% khói bụi; giảm từ 30-50% lượng chất đốt; thời gian đun nấu cũng nhanh hơn.
Là một trong những hộ dân sử dụng bếp đun cải tiến, lò sao chè cải tiến đầu tiên trong xã Tức Tranh (Phú Lương), chị Phạm Thị Hạnh, xóm Minh Hợp, cho hay: Khác với lò sao chè trước đây, cửa lò sao chè cải tiến chỉ nhỏ bằng 1/3, có rãnh thông khí nên củi nhanh cháy, nhiệt giữ lâu, tỏa đều và rất tiết kiệm củi. Gia đình tôi có 10.000m2 chè, trước kia, để chế biến được 4-5 tạ chè khô mỗi lứa thì cần khoảng 3m3 củi/lứa, nhưng với lò sao cải tiến thì chỉ cần 1,5-2m3 củi/lứa. Việc sao chè cũng nhàn hẳn, tôi cũng ít bị ho, sổ mũi, đau mắt bởi khói bụi như trước kia.
Chị Hầu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Tức Tranh cho biết: Ban đầu, Dự án thực hiện hỗ trợ cho xã 98 bếp đun, lò sao chè cải tiến ĐK, trong đó có 40 bếp xách tay, 38 bếp cố định và 20 lò sao chè, với mức hỗ trợ 60 nghìn đồng/bếp xách tay, 150 nghìn đồng/bếp cố định và 300 nghìn đồng/lò sao chè (mức hỗ trợ bằng 30-40% giá trị thực của bếp). Sau khi những bếp này được đưa vào sử dụng, bà con đến tham quan, thấy hiệu quả nên nhiều hộ dân trong xã đã tự thuê thợ về xây dựng bếp đun, lò sao chè cải tiến.
Được biết, ngoài huyện Phú Lương, mô hình bếp đun, lò sao chè cải tiến hiện có mặt tại nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như: Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Sông Công, Thái Nguyên… Tính đến nay, tại các địa phương được triển khai mô hình đã xây được gần 1.530 lò sao chè cải tiến, trên 1.800 bếp đun cải tiến loại xách tay và cố định. Chị Đặng Thị Hoa, xóm Long Vân, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) cho biết: Tôi biết đến lò sao này trong một lần đi tham quan thực tế tại vùng chè ở Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) và thuê thợ về trực tiếp xây dựng tại gia đình. Nhận thấy hiệu quả nên nhiều bà con trong xóm đã đến tìm hiểu và thực hiện theo. Lò sao chè cải tiến rất tiết kiệm bởi lượng củi sử dụng mỗi mẻ chè chỉ bằng 1/3 so với lò sao chè truyền thống, hơn nữa lại ít khói bụi nên việc làm chè cũng đỡ vất vả hơn.
Không chỉ giới hạn phạm vi nhân rộng trên địa bàn tỉnh, năm 2018, thực hiện chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020, Hội LHPN tỉnh đã cùng với các cán bộ kỹ thuật đến huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) để giới thiệu về bếp đun cải tiến, đồng thời, thực hiện hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật xây bếp cố định cho một nhóm người dân tại đây. Thông qua chương trình, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí cho 30 hộ dân địa phương đầu tiên xây dựng bếp đun cải tiến cố định với mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/bếp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Tại các vùng nông thôn, nhiên liệu dùng để đun nấu vẫn chủ yếu là gỗ, củi, phế thải nông, lâm nghiệp… do vậy, bếp đun, lò sao chè cải tiến là mô hình tương đối phù hợp. Ngoài ý nghĩa về kinh tế, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, giải quyết vấn đề chất đốt đang ngày càng khan hiếm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát thêm một số địa phương trên địa bàn tỉnh để triển khai mô hình, đặc biệt là các vùng có tiềm năng về chè, đồng thời, tích cực phối hợp với các chuyên gia để tạo ra các loại bếp cải tiến đời mới, tiết kiệm năng lượng hơn và phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân hiện nay…