Hiệu quả từ điểm giao dịch lưu động Agribank

08:37, 25/02/2019

Đầu năm 2018, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh huyện Phú Lương là 1 trong 30 chi nhánh trên cả nước được lựa chọn để triển khai Đề án “Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng” đợt 1. Sau 1 năm, mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân ở các xã, thị trấn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thuận tiện hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như các dịch vụ khác của Ngân hàng.

Ngay đầu năm 2018, sau khi được trang bị xe chuyên dùng để hỗ trợ cho mô hình ngân hàng lưu động, Agribank Chi nhánh tỉnh đã thành lập Điểm giao dịch lưu động trực thuộc Agribank Chi nhánh huyện Phú Lương. Theo đó, ô tô chuyên dùng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất gồm: máy tính xách tay, máy in sổ, máy in chứng từ, mạng, hòm đựng hồ sơ, két sắt, hệ thống camera giám sát, còi báo hú, điều hoà… giống như 1 phòng giao dịch thu nhỏ. Thêm vào đó, điểm giao dịch còn có con dấu riêng và tư cách pháp lý để thực hiện phần lớn các nhiệm vụ của ngân hàng như: huy động vốn, cho vay, chuyển tiền, rút tiền từ tài khoản, tư vấn tín dụng; mở/đóng tài khoản thanh toán, thu nợ, lãi đối với khách trên địa bàn của điểm giao dịch lưu động hoạt động… (trừ hoạt động liên quan đến ngoại tệ, cho vay doanh nghiệp). Sau khi đi vào hoạt động, đến nay, Chi nhánh đã triển khai giao dịch lưu động tại 11 điểm xã, thị trấn (bao gồm cả xã Sơn Cẩm thuộc T.P Thái Nguyên) - là những nơi chưa có trụ sở và phòng giao dịch của Agribank. Các điểm giao dịch đều được đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, có quy định ngày, giờ cụ thể tại từng địa bàn để người dân nắm rõ.

Sau 1 năm triển khai, Điểm giao dịch lưu động Agribank đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tính đến hết tháng 12-2018, Agribank chi nhánh huyện Phú Lương đã tổ chức được 72 phiên giao dịch lưu động, phục vụ hơn 9,2 nghìn lượt khách hàng; tổng số bút toán giao dịch là hơn 11,5 nghìn bút toán; cho vay (không bao gồm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm) hơn 9,4 tỷ đồng; thu nợ gốc và lãi hơn 43,5 tỷ đồng; huy động tiết kiệm hơn 2,4 tỷ đồng; dịch vụ chuyển tiền hơn 30,3 tỷ đồng với hơn 1 nghìn khách hàng; phục vụ các dịch vụ tiện ích ngân hàng khác cho trên 1,3 nghìn khách hàng…

Chị Hoàng Thị Thơm, xóm Mường Giằng, xã Yên Lạc cho biết: Năm 2017, tôi vay vốn 100 triệu đồng của Agribank chi nhánh huyện Phú Lương để mua máy móc làm nghề mộc, cải thiện đời sống kinh tế của gia đình. Sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện nên trước đây, cứ 3 tháng tôi đều phải đi quãng đường hơn 10km ra đến thị trấn Đu để trả lãi 1 lần và phải đợi khá lâu vì có nhiều khách hàng giao dịch. Từ đầu năm 2018, sau khi có Điểm giao dịch lưu động về tận xã, quãng đường di chuyển đã được giảm xuống còn 2km, thời gian giao dịch cũng tiện lợi, nhanh gọn hơn. Do vậy, gia đình tôi cảm thấy rất phấn khởi và hài lòng về mô hình ngân hàng lưu động của Agribank.

Ngoài những khách hàng riêng lẻ, mô hình này cũng góp phần mở rộng, phát triển hình thức cho vay qua tổ liên kết. Trước đây, Agribank đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ hình thành, phát triển các tổ liên kết vay vốn. Sau khi xuất hiện mô hình ngân hàng lưu động, hàng tháng, tổ trưởng tổ liên kết sẽ có trách nhiệm thông báo và thu lãi của các thành viên và đại diện đến nộp trực tiếp tại điểm giao dịch lưu động. Vì vậy, mọi giao dịch trở nên thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian của người dân cũng như của cán bộ ngân hàng. Anh Đinh Viết Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Đổ cho hay: Sau 1 năm triển khai, bà con cảm thấy rất hài lòng về mô hình ngân hàng lưu động này. Nhờ đó, số lượng hội viên có nhu cầu tham gia tổ liên kết vay vốn ngày càng tăng. Đến nay, trên địa bàn xã có 12 tổ với hơn 500 người vay (tăng gần 100 người so với năm 2016), tổng số vốn vay tăng lên trên 30 tỷ đồng. 

Theo bà Nguyễn Hồng Huệ, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Phú Lương: Mặc dù còn gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là đường mạng không ổn định tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa nhưng điểm giao dịch lưu động là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Không chỉ vậy, mô hình này còn góp phần tạo sự gắn kết giữa Ngân hàng với người dân thông qua việc phục vụ tới tận xóm, bản, từ đó giúp Agribank ngày càng mở rộng mạng lưới, nâng cao uy tín của ngân hàng. Do vậy, từ những kết quả đạt được, năm 2019, chúng tôi đã lên kế hoạch đặt thêm điểm giao dịch lưu động tại 2 xã Hợp Thành và Yên Trạch; đồng thời thường xuyên trao đổi với địa phương để kịp thời nắm bắt những vướng mắc, ý kiến của người trên địa bàn về chất lượng dịch vụ.