Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điểm giao dịch của các công ty tài chính (CTTC). Không thể phủ nhận những tiện ích của các công ty này mang lại, nhưng nếu người vay không nghiên cứu kỹ để lựa chọn hình thức phù hợp sẽ rất dễ phải trả mức lãi suất “ngất ngưởng”, chẳng khác nào tín dụng đen.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 CTTC đủ điều kiện hoạt động, gồm: HD SAISON; Homecredit; FE Credit; JACCS; Mcredit, Prudential finance, TFSVN và MAFC), với 499 điểm giới thiệu dịch vụ. Các điểm giới thiệu được đặt ngay tại các cửa hàng, siêu thị, bởi thế, ngay khi bước vào cửa hàng, người mua đã được nhân viên bán hàng giới thiệu về phương thức mua hàng vay trả góp qua các công ty này.
Trong vai khách hàng muốn mua 1 máy giặt và 1 ti vi theo hình thức trả góp tại Siêu thị Điện Máy xanh (đường Cách mạng Tháng Tám, T.P Thái Nguyên), chúng tôi được tư vấn viên của CTTC TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) giới thiệu, với chiếc máy giặt trị giá trên 10 triệu đồng, tôi chỉ cần trả trước tối thiểu 3 triệu đồng, số còn lại 7.290.000 sẽ được vay trong vòng 6 tháng, với lãi suất 0 đồng. Mỗi tháng tôi trả 1.265.000 đồng (tổng 6 tháng là 7.590.000 đồng). Số tiền chênh lệch mà tôi phải trả cho CTTC là 300.000 đồng.
Nhân viên tư vấn giải thích: 300.000 đồng này bao gồm phí thu hộ và phí bảo hiểm tiền vay (bằng 3% giá trị khoản vay). Với khoản vay mua trả góp đồ điện máy, gia dụng thì phí bảo hiểm tiền vay là không bắt buộc, nhưng nếu khách hàng mua bảo hiểm sẽ dễ dàng hơn khi phê duyệt hồ sơ. Ngoài ra, tư vấn viên còn giới thiệu về hình thức vay tín chấp qua sim điện thoại, chứng minh thư nhân dân, hóa đơn thanh toán tiền điện hoặc qua bảng lương, với mức lãi suất từ trên 4% đến trên 5%/tháng (tương đương 50-60%/năm).
Không có gói lãi suất 0% như đối với đồ điện máy, lãi suất tiền vay để mua xe máy được các nhân viên CTTC giới thiệu khá cao. Cụ thể, từ 1,19 hoặc 1,37%/tháng (tùy từng công ty) áp dụng đối với khoản vay tối đa 80% giá trị xe và 2%/tháng đối với khoản vay 100% giá trị xe. Giới thiệu mức lãi suất là thế, nhưng thực tế người vay lại phải trả cao hơn rất nhiều. Cụ thể, với số tiền 40 triệu đồng (vay 100% giá trị xe), nếu trả góp trong vòng 9 tháng, người vay sẽ phải trả 5.612.000 đồng/tháng. Như vậy lãi suất sẽ tương ứng là 5%/tháng (60%/năm). Còn nếu vay tối đa 80% giá trị xe lãi suất sẽ là 3,86%/tháng (46,35%/năm). Lãi suất này bao gồm cả phí mua bảo hiểm 5% số tiền vay/năm.
Mức lãi suất được cho là rất cao nhưng vẫn có nhiều người vay bởi thủ tục vay tiền tại các CTTC khá đơn giản, chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu, số điện thoại của người vay và 2 số điện thoại của người thân. Thời gian chờ để xét duyệt hồ sơ chỉ khoảng 10-15 phút, không cần tài sản thế chấp. Trong khi với ngân hàng, người vay cần khá nhiều thủ tục, mất thời gian và phải có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, có thêm những nguyên nhân khác như: thiếu hiểu biết, không có khả năng tính toán nên người vay khi được thông báo mức lãi suất 1,19%, 1,37% hay 2%/tháng... thì đều chỉ biết lấy lãi suất đó nhân với 12 để ra lãi suất năm là trên dưới 20%. Chỉ khi đã vay, hàng tháng phải trả một khoản tiền không nhỏ cả gốc và lãi trong suốt quá trình vay hoặc được người khác phân tích về lãi suất thực thì mới biết mình phải trả lãi cao. Nhiều người khi nhận ra mình vay lãi xuất cao nên trả trước thì bị phạt 5% trên tổng số tiền còn nợ. Theo số liệu thống kê của một số CTTC, đối tượng vay chủ yếu là người có thu nhập trung bình thấp, muốn được đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhưng lại ngại làm thủ tục hoặc không đủ điều kiện để vay ngân hàng (50% người vay là công nhân lao động phổ thông, số còn lại là dân kinh doanh, văn phòng, nông dân, sinh viên)…
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thì: Lãi suất cho vay của các CTTC rất cao bởi độ rủi ro lớn do khách hàng không phải thế chấp tài sản. Thời gian qua, Thanh tra NHNN tỉnh cũng đã kiểm tra tại một số điểm giới thiệu của 2 CTTC, qua đó đã yêu cầu nhân viên tư vấn phải phổ biến, giới thiệu đầy đủ với khách về lãi suất, các quy định kèm theo cũng những tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, người vay cần tự tìm hiểu, cân nhắc trước khi vay từ các CTTC hay bất cứ tổ chức tài chính nào, để không bị động trước những tình huống ngoài mong muốn. Đặc biệt, do thông tin về khách hàng của các CTTC được cập nhật vào dữ liệu chung của NHNN nên cho dù khoản vay dù nhỏ nhưng nếu để chuyển sang nợ xấu, thì người vay sẽ mất cơ hội khi muốn tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng khi cần vay vốn, cho dù có tài sản đảm bảo.
Qua tìm hiểu của chúng tôi với một số người vay không trả nợ đúng hợp đồng, thì chỉ một vài ngày sau, họ sẽ liên tục bị một số người giới thiệu là của CTTC “nhắc nợ, đòi nợ”, rồi “khủng bố” qua điện thoại. Nếu không trả thì 2 người thân của người vay cũng sẽ bị gọi để nhờ tác động hoặc trả hộ. Nếu vẫn không trả sẽ có người tìm đến tận nhà để đòi, chẳng khác là mấy so với việc đòi nợ của “xã hội đen” đối với “tín dụng đen”. Những đối tượng được đi đòi nợ thuê sẽ được CTTC trả công bằng khoảng 40% số tiền đòi được.
Không thể phủ nhận một số mặt tích cực mà các CTTC đã và đang mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động của các CTTC cũng bộc lộ không ít bất cập, cần sự kiểm tra, giám sát hơn nữa của ngành chức năng. Đối với những người có nhu cầu vay vốn của các TCTC cần tìm hiểu kỹ các thông tin cần thiết như: Chuẩn bị cho việc trả nợ thế nào; làm gì để không bị có tên trong danh sách nợ xấu để quyết định có nên vay không và tránh những thiệt thòi, rủi ro có thể xảy ra.
Công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, với chức năng là sử dụng vốn tự có vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới một năm. |