Đảm bảo nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân

09:11, 30/03/2019

Hiện nay, phần lớn diện tích lúa trên địa bàn huyện Võ Nhai đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Cùng với việc khuyến cáo người dân tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại, các cơ quan chuyên môn, Trạm Khai thác thủy lợi huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết nước thật hợp lý để dưỡng lúa.

Có mặt tại cánh đồng các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long, chúng tôi nhận thấy lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, hầu hết các thửa ruộng đều đầy ắp nước. Ông Đỗ Văn Quyền, xóm Đồng Quán, xã Dân Tiến chia sẻ: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy được 5 sào lúa Khang dân 18. Nhờ hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Quán Chẽ nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình đều chủ động được nguồn nước tưới dưỡng. Hiện, lúa của gia đình đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tranh thủ thời tiết mấy hôm nay thuận lợi, vợ chồng tôi rắc phân NPK bón thúc cho lúa...

Theo số liệu thống kê, Võ Nhai hiện có 130 công trình thủy lợi, trong đó có 6 hồ, 106 đập (77 đập kiên cố, 29 đập tạm) và 184km kênh mương (109km kênh kiên cố, 75km kênh đất) với tổng diện tích tưới trên 4.600ha lúa, trên 1.000ha rau màu. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhiều năm qua, khả năng hạn ở Võ Nhai có thể xảy ra ngay từ đầu vụ đông - xuân, có năm thì tình trạng này diễn ra vào giữa và cuối vụ, nhất là ở các diện tích lúa cuối kênh tưới và các đập tạm do dân tự làm. Hằng năm, số diện tích bị hạn hán khoảng 600ha. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có mưa, do vậy, lượng nước trong các công trình thủy lợi khá nhiều. Qua kiểm tra, lượng nước ở hầu hết các hồ, đập đều gần bằng cao trình thiết kế, nguồn nước ở ao, khe suối cũng đều tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu nắng hạn kéo dài nhiều ngày liên tiếp (trên 1 tháng) thì có thể lượng nước ở các hồ, đập, ao, khe suối sẽ bị thiếu hụt nhanh chóng. Do vậy, ngay từ đầu vụ, Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai, UBND các xã, thị trấn thực hiện quản lý điều tiết nước kịp thời, khoa học.

Trên địa bàn huyện, hồ Quán Chẽ là công trình thủy lợi lớn nhất huyện, có dung tích thiết kế 2,47 triệu m3 nước và 12km kênh chính sau hồ, do Trạm Khai thác thủy lợi huyện Võ Nhai quản lý, khai thác. Anh Âu Văn Phương, Cụm trưởng Cụm khai thác thủy lợi Quán Chẽ (Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai) cho biết: Cụm gồm có 6 thành viên, có nhiệm vụ điều tiết nước cho 360ha lúa/vụ của 2 xã Dân Tiến và Bình Long. Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã phân công anh em phát dọn, nạo vét bùn, vớt rác để khơi thông dòng chảy trên tuyến kênh chính. Chúng tôi cũng thực hiện nghiêm lịch đóng - mở nước, phân phối nước hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ nước trên diện tích lúa đã được phê duyệt. Cụ thể, vào thời gian bà con gieo mạ, chúng tôi thực hiên mở cống với mức nước 30 lít/giây và mở mức 50 lít/giây khi bà con cày, đổ ải. Hiện nay, chúng tôi thực hiện mở cống với mức 40 lít/giây để dưỡng lúa.

Để đảm bảo việc tích trữ nước, vận hành, khai thác hiệu quả, công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và nâng cấp các công trình thủy lợi luôn được UBND huyện, Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai đặc biệt quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí, bảo vệ phát triển đất lúa và nông thôn mới, huyện đã nâng cấp, sửa chữa 2 đập và 9,8km kênh mương với tổng mức đầu tư 15,6 tỷ đồng. Ngay từ đầu vụ, Trạm Khai thác thủy lợi huyện cũng đã tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông kênh dẫn, tu sửa 1km kênh chính của hồ Quán Chẽ. Cùng với đó, đơn vị cũng xây dựng kế hoạch trữ nước do lũ tiểu mãn để tăng dung tích các hồ chúa, xây dựng kế hoạch dùng nước cho tất cả các công trình thủy lợi.Ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Để đảm bảo nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất, hằng năm, Phòng đều tham mưu UBND huyện xây dựng và phê duyệt Phương án phòng, chống hạn với diện tích khoảng 500-600ha bằng các giải pháp cụ thể. Theo đó, giải pháp đầu tiên là quán triệt sử dụng nước tiết kiệm, dùng đến đâu tháo đến đó, không tháo nước tuỳ tiện tràn lan; khuyến cáo bà con sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, sử dụng hệ thống bơm lấy nước ở các nguồn tự nhiên gần diện tích gieo cấy; chỉ đạo các tổ thủy nông điều tiết nước hợp lý, tránh tình trạng chỗ nhiều, chỗ ít. Tính đến thời điểm này, chưa có diện tích lúa nào bị hạn.