Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

11:01, 09/03/2019

Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con nông dân huyện Phú Bình đã từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập.

Đến các xã của huyện Phú Bình trong những ngày bà con nông dân tập trung sản xuất vụ xuân, ở đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương, tiếng máy cày, bừa rền vang cả một vùng. Chị Ngô Thị Hạ, ở xóm Trụ Sở, xã Tân Hòa, chia sẻ: Vụ này, nhà tôi đã cấy xong hơn 6 sào lúa ngay sau Tết Nguyên đán, hiện nay đang trồng thêm 2 sào lạc. Tôi thường thuê máy cày, bừa làm đất với chi phí 150 nghìn đồng/sào nên chỉ trong một buổi sáng là đã xuống giống xong đám lạc này, còn trước kia dùng sức trâu thì phải mất 2-3 ngày cày ải, làm đất. Từ ngày có máy móc, các công đoạn từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch lúa của bà con cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Ở đây, một số nhà có nhiều ruộng và điều kiện kinh tế dư dả đã đầu tư mua sắm các loại máy móc để vừa phục vụ sản xuất của gia đình vừa làm thuê cho các hộ khác, đem lại nguồn thu khá cao...

Ông Trần Văn Bách, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, xã còn tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận với các chương trình ưu đãi về vốn vay của Nhà nước. Từ đó, nhân dân có thêm điều kiện, nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư mua máy cày, bừa, tuốt lúa, xay xát gạo. Đến nay, toàn xã có 120 máy cày, bừa, 2 máy gieo hạt, trên 300 máy tuốt lúa, 20 máy cắt cỏ, 30 máy xay sát, 2 máy gặt đập liên hợp… Các loại máy đã đảm đương khâu làm đất đối với trên 90% diện tích đất nông nghiệp của xã, góp phần bảo đảm sản xuất ổn định, đúng khung thời vụ.

Không riêng xã Tân Hòa, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Bình đã tích cực chủ động đưa cơ giới hoá vào trong sản xuất nông nghiệp. Minh chứng là số lượng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp đều tăng lên qua các năm. Đơn cử như xã Tân Đức, hiện nay xã có 32 máy kéo, 60 máy cày bừa, 600 máy bơm, 10 máy tuốt, 5 máy gặt đập liên hợp… Tính riêng máy gặt đập liên hợp, nếu như năm 2016, xã chỉ có 1 máy thì đến nay đã tăng lên 5 máy. Theo người dân nơi đây, trong thời gian qua, do xã Tân Đức thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đồng ruộng được quy hoạch, chỉnh trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đưa máy móc vào sản xuất. Trong vụ xuân 2018, xã Tân Đức đã phối hợp với Công ty Quế Lâm tổ chức sản xuất 50ha lúa hữu cơ, người dân áp dụng đồng bộ các bước, cùng gieo trồng 1 giống lúa và thu hoạch đồng loạt bằng máy móc, qua đó năng suất lúa đạt 60,5 tạ/ha (tăng 5,5tạ/ha); giá trị sản xuất tăng 41,7 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất sau dồn điền đổi thửa đạt 139 triệu đồng/ha; giảm chi phí đầu vào và tiết kiệm 50% giống, giảm chi phí khâu làm đất và khâu thu hoạch từ 2,5 đến 2,7 triệu đồng/ha…

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Bình có 265 máy cày, máy kéo các loại; 1.250 máy phun trừ sâu có động cơ; trên 2.500 máy bơm nước; 196 máy tẽ ngô; 230 máy cắt cỏ; 24 máy gặt đập liên hợp; 5 máy gieo hạt; 160 máy sao chè (tăng gần 20% số thiết bị so với năm 2014)… Người dân tích cực sử dụng máy móc trong sản xuất đã góp phần đưa tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp trong toàn huyện được áp dụng cơ giới lên trên 80% và khoảng 85% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy. Việc áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất không chỉ giải phóng sức lao động cho người nông dân mà còn làm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, bảo đảm về diện tích gieo trồng và đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ. Được biết, trong hơn 5 năm qua, diện tích cấy lúa hằng năm của huyện đều duy trì ổn định ở mức trên 12.000ha; sản lượng lương thực cây có hạt đều tăng qua các năm, năm 2018 đạt 78,9 nghìn tấn; giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt tăng từ 70 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 90 triệu đồng (năm 2018).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình cho biết: Xác định tầm quan trọng của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với một huyện có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này như Phú Bình, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện triển khai các dự án, chương trình của Trung ương, của tỉnh trong việc hỗ trợ các hộ nghèo, vùng khó khăn mua sắm máy móc, nông cụ; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn; phối hợp với các đơn vị tổ chức giới thiệu, trình diễn các loại máy móc nông nghiệp hiện đại… Đặc biệt là, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, triển khai các mô hình, mẫu hình cánh đồng 1 giống, ô mẫu lớn… để việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn.