Với mục đích bảo vệ rừng, giúp chị em phụ nữ sống ở khu vực vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo có việc làm tại chỗ, có kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện cuộc sống, từ năm 2004, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Văn Yên (Đại Từ) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ yêu khoa học. Đến nay, CLB vẫn được các chị em duy trì và hoạt động hiệu quả.
Xã Văn Yên có 5 xóm là: Bầu 1, Bầu 2, Bậu 2, Núi, Kỳ Linh là những xóm nằm dưới chân núi Tam Đảo. Trước đây, người dân đặc biệt là phụ nữ các xóm khu vực này thường lên rừng kiếm củi, hái măng bán lấy tiền. Công việc vừa vất vả, nguy hiểm, thu nhập lại bấp bênh. Trong khi đó, đất đai sẵn có nhưng người dân chưa biết canh tác để đồng đất mang lại hiệu quả. Với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân, năm 2004, dưới dự tài trợ của Dự án Quản lý Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm do Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ), Hội LHPN xã Văn Yên đã thành lập CLB Phụ nữ yêu khoa học.
Mục đích của CLB là giúp hội viên ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, hiểu về kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi để phát triển các mô hình kinh tế, qua đó từng bước cải thiện cuộc sống. Chị Lê Thị Bộ, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Yên cho biết: Ban đầu, việc vận động chị em từ bỏ lên rừng kiếm sống, tham gia vào CLB gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề đó, Hội Phụ nữ xã đã vào từng nhà vận động, tuyên truyền mục đích ý nghĩa về CLB, đề nghị dự án hỗ trợ vốn, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt dài hạn, ngắn hạn, các lớp dạy nghề, hỗ trợ vay vốn thông qua các ngân hàng nhằm tạo sinh kế cho người dân. Nhờ vậy, CLB thu hút nhiều chị em tham gia. Từ 1 CLB với khoảng hơn 20 thành viên, đến nay, toàn xã đã có 5 CLB Phụ nữ yêu khoa học tại 5 xóm vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo với hơn 400 thành viên.
Theo chân cán bộ Hội LHPN xã Văn Yên, chúng tôi đến xóm Núi, nơi có những nương chè thoai thoải, xanh ngắt với những búp chè đầu Xuân non mơn mởn. Chị Lý Thị Hưng, thành viên của CLB Phụ nữ yêu khoa học xóm Núi cho hay: Nhà tôi có gần 2 mẫu đất, trước đây trồng chè tự thiên, không chăm sóc nên kém hiệu quả. Trước đây tôi thường xuyên vào rừng kiếm củi, hái măng để cải thiện cuộc sống. Từ năm 2005, khi tham gia vào CLB, tôi được tư vấn, tham quan các mô hình trồng chè, tham gia các lớp trồng chè giống mới, năng suất cao. Nhờ đó, chúng tôi nắm được kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân, khoảng cách trồng, chăm sóc, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh, cách đốn chè… Hiện, tôi có 1,5 mẫu chè cành với các giống chè như: Lai 1, Bát Tiên, Long Vân, Phúc Thọ 10, 777, mỗi năm thu được khoảng 16 tạ chè búp khô, trừ chi phí thu lãi trên 150 triệu đồng.
Tiếp lời chị Hưng, chị Tạ Thị Mai, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ yêu khoa học xóm Núi cho hay: CLB hiện có 75 hội viên, với chân quỹ là 11 triệu đồng. Chi hội hiện có 100% hội viên có đất trồng chè. Ngoài lấy chè là cây chủ lực, chị em còn tích cực chăn nuôi gà, vịt, trồng cây ăn quả. CLB giúp đỡ thành viên bằng các hoạt động cụ thể như hỗ trợ tiền giống lúa mới theo chương trình của địa phương; phối hợp với Hội Nông dân xã, huyện tổ chức các lớp tập huấn; mời cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn theo chuyên đề cây trồng, vật nuôi cụ thể; hỗ trợ hội viên vay vốn qua quỹ tiết kiệm của CLB và Chi hội Phụ nữ xóm; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ ngày công lao động cho thành viên lúc ốm đau...
Còn với chị Nguyễn Thị Mừng, thành viên CLB Phụ nữ yêu khoa học xóm Bầu 1, thì ngoài 100ha đất trồng rừng và chè cành, từ năm 2012, chị tận dụng đất ao, vườn trồng thêm 3 sào cây ba kích. Theo tính toán của chị tuy trồng ba kích phải mất từ 3-4 năm mới cho thu hoạch nhưng sản phẩm dễ bán, giá lại cao (250 nghìn đồng/kg tươi) nên so với một số loại cây trồng khác thì giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Chị bảo, khi bắt tay vào trồng chị được tham gia tập huấn tại xã, huyện. Không những vậy, các kỹ sư còn về tận nhà hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tham gia vào CLB từ những ngày đầu cũng là một lợi thế rất lớn giúp chị mạnh dạn, sớm nắm bắt được xu hướng thị trường nông sản để từ đó lựa chọn mô hình cho hiệu quả.
Tham gia vào CLB còn là cơ hội để chị em được giao lưu, học hỏi, tham gia vào các hoạt động xã hội từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Đến nay, đa số các chị em đều có kinh tế ổn định, khá giả, chăm lo học hành cho con cái, tích cực đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Có sinh kế bền vững, nên ít người phải đi lao động xa nhà, càng không phải vất vả lên rừng kiếm củi, hái măng như trước.