Những năm gần đây, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện đầu tư thêm máy móc, thiết bị. Đây được xem là một trong những “đòn bẩy” để các đơn vị từng bước nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Với nguồn vốn khuyến công được cấp hàng năm, Trung tâm đã cân đối, lựa chọn để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN, HTX trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đổi mới, đầu tư thêm máy móc, thiết bị sản xuất. Theo đó, các đơn vị được hỗ trợ 50% tổng giá trị máy móc (với mức hỗ trợ không quá 200 triệu đồng). Qua đây giúp các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường…
Được thành lập từ năm 2016, cơ sở sản xuất của gia đình anh Phạm Anh Phong, ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) đã từng gặp nhiều khó khăn trong việc chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ do thiếu máy móc, thiết bị. Nhưng đó là khó khăn của 2 năm về trước, còn từ năm 2018 đến nay, hoạt động sản xuất của gia đình anh Phong đã thuận lợi hơn nhiều khi được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp lựa chọn để hỗ trợ 2 máy chế biến gỗ CNC, trị giá 220 triệu đồng/máy. Trong đó, gia đình anh Phạm Anh Phong được hỗ trợ 50% tổng giá trị. Anh Phong vui mừng cho biết thêm: Từ khi được hỗ trợ đến nay, 2 máy CNC đều hoạt động ổn định, tạo ra sản phẩm có đường nét tinh xảo, không bị vỡ, đứt nét, kể cả trên các chất liệu gỗ cứng, giòn. Các sản phẩm mỹ nghệ của cơ sở khi đưa ra thị trường được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi năm cơ sở xuất bán từ 200-300 sản phẩm các loại (tăng khoảng 20% so với trước). Nhờ có chiếc máy này, cơ sở của tôi đã giảm bớt được 3-4 nhân công lao động mỗi tháng, giúp tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng, trong khi đó năng suất lao động lại tăng lên khá nhiều.
Cũng là một trong những cơ sở sản xuất được thụ hưởng đề án khuyến công năm 2018, ông Nguyễn Minh Thế, Giám đốc Công ty TNHH Song Vũ Minh Thế, xã Tiên Hội (Đại Từ) cho biết: Được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tư vấn, hỗ trợ 100 triệu đồng, chúng tôi đã đầu tư một máy sản xuất cửa nhựa lõi thép trị giá 200 triệu đồng. Nhờ đó, Công ty đã cắt giảm được 6-7 nhân công, rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh thu của Công ty năm 2018 đạt gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân là 6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài các cơ sở sản xuất, gia công đồ gỗ, cơ khí, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp còn thực hiện hỗ trợ cho các DN, HTX hoạt động trong các lĩnh vực như: Chế biến, bảo quản chè; sản xuất đồ uống; thức ăn chăn nuôi… Đơn cử như: Hỗ trợ máy sấy lạnh sản phẩm chè cho Công ty TNHH Orgama, xã Cổ Lũng (Phú Lương); hỗ trợ thiết bị chế biến chè cho Công ty cổ phần NTEA Thái Nguyên, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ); HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên); hỗ trợ máy móc sản xuất thức ăn chăn nuôi cho Công ty TNHH Ngôi sao hy vọng (T.X Phổ Yên)…
Theo đánh giá, các dự án được triển khai về cơ bản đều mang lại hiệu quả tích cực, sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm của các cơ sở thụ hưởng được nâng lên rõ rệt, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất, DN, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Anh Đặng Quang Hưng, đại diện Công ty TNHH Orgama, xã Cổ Lũng (Phú Lương) cho biết: Năm vừa qua, Công ty được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ 150 triệu đồng để mua máy sấy lạnh chè trị giá trên 300 triệu đồng. Qua thực tế sản xuất của đơn vị, tôi nhận thấy rằng sử dụng máy sấy lạnh cho ra sản phẩm matcha có hương vị thơm ngon hơn so với sấy nhiệt, đặc biệt là giữ được màu xanh tự nhiên của lá trà. Năm 2019, phát huy hiệu quả của máy móc trong sản xuất, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng chè búp khô các loại và sản phẩm matcha, phấn đấu đạt doanh thu 600 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc hỗ trợ các đơn vị đầu tư máy móc, thiết bị, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp còn thực hiện hỗ trợ kinh phí tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ kinh phí đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham dự các hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố; tập huấn, tuyên truyền về công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh… Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, cho biết thêm: Trung tâm sẽ thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để tư vấn về công nghệ, cách thức vận hành máy móc, cùng tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, DN. Năm 2019, Trung tâm dự kiến xây dựng 25 dự án khuyến công địa phương với nhiều hỗ trợ về máy móc, thiết bị phù hợp với điều kiện, đặc thù của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.