Với bản tính cần cù, chị Nguyễn Thị Hương, ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương) đã vượt khó, vươn lên làm giàu từ trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Năm 2008, chồng tôi liên tục đau ốm, một bên chân vận động khó, có dấu hiệu bị teo cơ không thể đi làm xa được nữa. Do vậy, tôi bàn với chồng tìm cách làm kinh tế ngay tại gia đình”.
Nghĩ là làm, từ 4.000m2 đất vốn trồng chè trung du, mỗi lứa chỉ cho thu trên dưới 15kg búp khô với giá 40-50 nghìn đồng/kg, chị mạnh dạn mua giống chè lai về thay thế, học hỏi chăm bón theo đúng kỹ thuật và mở rộng diện tích thêm 2.000m2 nữa. Đồng thời, chị trồng 100 gốc bưởi diễn, 100 gốc chanh tứ mùa tại vườn nhà. Để có điều kiện đầu tư sản xuất, ngoài nguồn vốn tích cóp của gia đình và vay mượn thêm anh em họ hàng, chị vay trên 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để mua cây giống, mở rộng diện tích đất. Chị kể: “Ban đầu, tài sản của gia đình không có mấy thứ đáng giá nên vay mượn rất khó khăn, tôi bị nhiều người từ chối cho vay bởi sợ rủi ro, sản xuất thất bại. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi vườn bưởi diễn bị chết mất 1/3 do chúng tôi chưa nắm vững kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại. Không nản chí, tôi cùng chồng tìm kiếm, học hỏi kiến thức để áp dụng vào thực tế sản xuất”.
Đến nay, vườn bưởi của gia đình chị Hương đã phát triển lên trên 140 gốc, gồm cả bưởi Diễn và bưởi Da xanh. Mỗi năm, bưởi Diễn cho thu từ 6.000-8.000 quả với giá bán trung bình từ 20-25 nghìn đồng/quả, gia đình chị thu được từ 120-170 triệu đồng. Còn vườn chè của gia đình chị luôn xanh tốt, mỡ màng, mỗi lứa cho thu từ 1-1,2 tạ chè búp khô với giá bán dao động từ 200-250 nghìn đồng/kg. Tính trung bình, mỗi năm gia đình chị Hương thu được từ 120-160 triệu đồng từ cây chè. Ngoài ra, 100 gốc chanh tứ mùa cũng cho thu từ 25-30 triệu đồng mỗi năm.
Tận dụng bóng mát từ các loại cây ăn quả, năm 2018, chị Hương đã đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 2.000 con gà Ri thả vườn. Với giá bán trung bình từ 47-48 nghìn đồng/kg (khoảng 2,2kg/con), mỗi năm gia đình chị bán 2 lứa gà cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, phân gà ủ hoai mục được chị Hương sử dụng để bón cho cây, vừa đảm bảo an toàn lại giúp tiết kiệm chi phí.
Sau hơn chục năm vất vả làm kinh tế, đến nay, gia đình chị Hương đã có một trang trại tổng hợp rộng trên 12.000m2, mỗi năm thu được 300-400 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi từ 200-250 triệu đồng. Không chỉ có vậy, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Hương còn tạo việc làm thời vụ cho một số lao động tại địa phương. Chị Hương cho biết: Tôi vẫn muốn đa dạng các loại cây ăn quả trong vườn nhà nên đã mua thêm giống bơ sáp từ Gia Lai về trồng. Thời điểm này, trên 90 cây bơ sáp của gia đình tôi đang ra hoa, hy vọng sẽ cho chất lượng quả tốt, thu hoạch khá.
Nhận xét về chị Nguyễn Thị Hương, chị Hầu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tức Tranh cho biết: Điều đáng quý ở chị Hương chính là sự cần cù, chịu khó. Mô hình kinh tế của gia đình chị đã chứng minh được tính hiệu quả. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều chị em khác. Ngoài công việc của gia đình, chị luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương.