Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại thời điểm Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực ngày 26/3/2013, tỷ trọng thanh toán này là 12,01% và đến nay, vẫn chỉ ở mức 11,49%. Trong khi đó, tại cùng thời điểm, tổng phương tiện thanh toán đã tăng hơn 234%.
Những con số này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam không có sự tăng trưởng so với tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán.
Nguyên nhân khiến việc thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra “ì ạch” do người dân vẫn thói quen tiêu dùng tiền mặt, chưa quen với sử dụng công nghệ thanh toán mới, sợ thanh toán điện tử không an toàn, không kiểm soát được phí phát sinh thẻ tín dụng khi để nợ quá hạn (vì phí thẻ cao)...
Bên cạnh đó, người bán sản phẩm, dịch vụ hay các cửa hàng nhỏ cũng không có thói quen thanh toán điện tử. Đây là những tác nhân dẫn đến tình trạng dùng tiền mặt phổ biến.
Việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn là bài toán khó từ nhiều năm nay. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây sẽ là "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và không thể làm được trong ngày một, ngày hai.
Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương tiện thanh toán như chuyển khoản qua ngân hàng, dùng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng rồi các ứng dụng khác dùng cho ví điện tử, thế nhưng những phương tiện này vẫn chưa được phổ biến và dùng một cách rộng rãi trong xã hội Việt Nam. Việc sử dụng tiền mặt chiếm đến 90% chi tiêu, 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng, gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền.
Theo TS. Hiếu, Việt Nam được đánh giá là một nước có nền tảng tốt để thực hiện mục tiêu giảm tỷ trọng giao dịch tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Để việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến đòi hỏi phải có sự phối kết hợp đồng bộ của người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ và Chính phủ mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Với người tiêu dùng, phải tạo niềm tin để họ thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi. Khi người sử dụng thấy được sự tiện ích họ sẽ dần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt.
Về phía người cung cấp dịch vụ và bán hàng cũng cần áp dụng công nghệ thông tin khi thanh toán. Ngay cả những cửa tiệm tạp hóa cũng dần dần phải có những ứng dụng như QR Code và những ứng dụng khác có thể chấp nhận ví điện tử.
“Về phía Chính phủ, cần đưa ra những biện pháp khuyến khích để người dân sử dụng phương tiện thanh toán phi tiền mặt, chẳng hạn như có thể miễn thuế, phí; Cần có chế tài bắt buộc áp dụng thanh toán phi tiền mặt tại một số nơi như bệnh viện hay một số cơ sở mà chính quyền quản lý. Tại các trạm BOT cũng có thể không cho phép đóng tiền mặt nữa mà phải sử dụng phương tiện phi tiền mặt", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đại diện phía ngân hàng, ông Nguyễn Mạnh Hậu - Trưởng phòng Quản lý và Vận hành Trung tâm dữ liệu - Khối Công nghệ thông tin và vận hành của Ngân hàng Eximbank cho rằng, để thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến, cần thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chỉ đạo của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt. Quy định những danh mục bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt. Đa dạng hình thức xác thực thanh toán, có thể bằng mật khẩu, vân tay hay nhận dạng khuôn mặt...
Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán đủ năng lực, áp dụng công nghệ mới, an toàn bảo mật.
Cũng theo ông Hậu, các doanh nghiệp cần liên kết với các công ty Fintech/ngân hàng để triển khai việc thanh toán qua các ứng dụng thông minh trên các thiết bị di động, đặt biệt là smartphone/iPad/laptop... Các ứng dụng thanh toán thông minh phải dễ sử dụng, thân thiện với người dùng./.