Không thể phủ nhận bức tranh toàn cảnh nền kinh tế của tỉnh năm 2018 có nhiều khởi sắc, nhiều chỉ tiêu vượt so với năm 2017. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn nhiều dự án lớn, có hiệu quả kinh tế, xã hội cao đầu tư vào tỉnh thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư... Tuy nhiên, việc tỉnh tiếp tục bị tụt hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí số 15 (năm 2017) xuống vị trí số 18 (năm 2018), cho thấy sự đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp (DN) về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư ngày một cao hơn.
PCI có 10 chỉ số thành phần (với thang điểm 100) nhằm đánh giá và xếp hạng các tỉnh về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Năm 2018, có 4 chỉ số tăng điểm, 6 chỉ số bị giảm điểm so với năm 2017. Cụ thể như sau:
4 chỉ số tăng điểm
STT |
Tên chỉ số |
Trọng số |
2018 |
Điểm tăng/giảm so với năm 2017 |
1 |
Chi phí thời gian |
5% |
6,40 |
+ 0.23 điểm |
2 |
Chi phí không chính thức |
10% |
5,93 |
+ 0.27 điểm |
3 |
Cạnh tranh bình đẳng |
5% |
5,80 |
+ 0.64 điểm |
4 |
Tính năng động của chính quyền tỉnh |
5% |
6,26 |
+ 0.21 điểm |
6 chỉ số bị giảm điểm
STT |
Tên chỉ số |
Trọng số |
Điểm |
Giảm điểm so với 2017 |
1 |
Gia nhập thị trường |
5% |
6,91 |
- 0.36 điểm |
2 |
Tiếp cận đất đai |
10% |
6,37 |
- 0.08 điểm |
3 |
Tính minh bạch |
20% |
6,12 |
- 0.19 điểm |
4 |
Dịch vụ hỗ trợ DN |
20% |
5,81 |
- 0.19 điểm |
5 |
Đào tạo lao động |
20% |
7,69 |
- 0.01 điểm |
6 |
Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự |
5% |
6,40 |
- 0.02 điểm |
Căn cứ Báo cáo PCI 2018 và dữ liệu PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố đăng tải công khai trên website http://www.pcivietnam.org, chúng tôi đại diện Hiệp hội DN tỉnh xin chia sẻ cảm nhận của cộng đồng DN, nhà đầu tư về môi trường đầu tư và môi trường sản xuất kinh doanh của tỉnh năm 2018, được phản ánh thông qua Phiếu khảo sát và kết quả điều tra 10 chỉ số PCI thành phần, trong đó tập trung 6 chỉ số giảm điểm như sau:
Chỉ số Gia nhập thị trường (được đánh giá thông qua 10 tiêu chí)
Cộng đồng DN đánh giá tỉnh ta có 2 mặt mạnh, là thời gian ra nhập thị trường tương đối nhanh chóng, số DN phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động chỉ chiếm 16% trong số DN tham gia khảo sát, trong khi mức bình quân chung của cả nước lên tới 33%. Đặc biệt, không có DN nào phải chờ đợi đến 3 tháng để hoàn tất các thủ tục để chính thức hoạt động, trong khi mức trung bình cả nước là 3%.
Trong khi đó, cộng đồng DN cũng cảm nhận còn không ít vướng mắc để gia nhập thị trường: DN phản ánh số ngày đăng ký kinh doanh và thay đổi đăng ký kinh doanh ở Thái Nguyên tương ứng là 7 ngày và 5 ngày, cao hơn mức bình quân chung của các tỉnh là 5 ngày và 4,5 ngày. Chỉ có một số ít DN làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo phương thức mới, như trực tuyến, gửi qua đường bưu điện, thủ tục hành chính công; chỉ mới chiếm 12% số DN trả lời, trong khi mức bình quân chung cả nước đã lên đến 17%. Còn ở tỉnh cao nhất là Hà Nội số DN đăng ký kinh doanh theo phương thức mới đã lên đến 65%, gấp trên 5 lần tỉnh Thái Nguyên.
3 yếu tố khác có thể giúp DN rút ngắn thời gian gia nhập thị trường đều chưa nhận được phản hồi tốt của cộng đồng DN, đó là: Thứ nhất, thủ tục (thay đổi) đăng ký kinh doanh được niêm yết rõ ràng: Mặc dù 78% DN đồng tình rằng thủ tục được niêm yết công khai, và cao hơn mức bình quân cả nước là 76% nhưng còn khoảng cách tương đối xa với tỉnh cao nhất cả nước là 94%. Thứ hai, các yếu tố liên quan đến công chức thực thi công vụ mà cộng đồng DN chưa hài hòng, đó là: Có 78% DN đánh giá “cán bộ hướng dẫn thủ tục (thay đổi) đăng ký doanh nghiệp rõ ràng, đầy đủ”, trong khi mức trung bình của cả nước là 85%, còn tỉnh cao nhất đạt tới 95%. Chỉ có 30% DN cho rằng “Cán bộ am hiểu chuyên môn về thủ tục (thay đổi) đăng ký doanh nghiệp”, trong khi mức bình quân của cả nước là 66% còn tỉnh cao nhất đạt tới 87%. Đánh giá về “tính nhiệt tình, thân thiện của cán bộ khi hướng dẫn thủ tục”, mặc dù đa số DN (70%) đánh giá cán bộ hướng dẫn thủ tục nhiệt tình, thân thiện, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 77%. Còn tỉnh cao nhất thì 94% DN trong tỉnh đó đồng tình cho rằng “cán bộ công chức thân thiện, nhiệt tình khi hướng dẫn thủ tục”. Thứ ba, về ứng dụng công nghệ thông tin, 30% cho rằng công nghệ thông tin được ứng dụng tốt trong thủ tục đăng ký/thay đổi đăng ký kinh doanh, thấp hơn mức trung bình cả nước là 36%. Tại tỉnh cao nhất tỷ lệ này đạt 73%.
Chỉ số Tiếp cận đất đai (được đo lường qua 11 tiêu chí)
Điểm tốt mà cộng đồng DN cảm nhận được liên quan đến đất đai và mặt bằng kinh doanh, đó là thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương đối ngắn, việc thiếu quỹ đất sạch mặc dù cũng ảnh hưởng nhưng không gây trở ngại quá lớn đến công việc kinh doanh của DN, khung giá đất của tỉnh tương đối phù hợp…
Tuy nhiên, có 2 điểm trừ mà cộng đồng DN phản ánh còn vướng mắc trong môi trường kinh doanh của tỉnh, liên quan đến đất đai và mặt bằng kinh doanh, đó là: Thứ nhất, số lượng DN có được mặt bằng kinh doanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương đối thấp so với mức bình quân chung của cả nước, chỉ có 26% DN trả lời “có”, còn tỷ lệ bình quân cả nước lên tới 46%, còn tỉnh thấp nhất cả nước là 21%. Tiếp theo, 1 phản ánh từ phía cộng đồng DN cũng rất đáng ghi nhận, đó là có tới 14% DN trả lời “không có giấy chứng nhận do lo ngại thủ tục hành chính và cán bộ nhũng nhiễu”. Cũng theo kết quả khảo sát PCI 2018, vấn đề này trên bình diện cả nước chỉ chiếm 10%. Dựa trên số liệu này, Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm 1 cuộc tổng điều tra về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mặt bằng kinh doanh của DN, phân loại những vướng mắc, đối thoại và xử lý dứt điểm vấn đề này để DN yên tâm kinh doanh. Thứ hai, cộng đồng DN tiếp tục phản ánh điểm trừ trong môi trường kinh doanh liên quan đến đất đai và mặt bằng kinh doanh, vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng chậm. Trong khi bình quân cả nước chỉ có 17% DN phản ánh khó khăn do giải phóng mặt bằng chậm, thì con số này tại tỉnh ta lên tới 27%.
Chỉ số tính minh bạch (được đo lường thông qua 12 tiêu chí)
“Điểm sáng” về tính minh bạch được cộng đồng DN phản ánh, đó là “Hiệp hội DN có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách, quy định của tỉnh”. Số DN đồng tình với câu hỏi này là 64%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (52%). Việc tiếp cận tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý không quá khó khăn, độ mở thông tin trên website của tỉnh… được DN phản ánh tương đối tốt.
Tuy nhiên, có 3 vấn đề về tính minh bạch cũng được DN phản ánh thông qua Phiếu điều tra PCI: Thứ nhất, chỉ có 77% số DN cho rằng tài liệu ngân sách của tỉnh đủ chi tiết để DN sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ này có thể cũng đã là cao, nhưng mức bình quân chung của cả nước là 83%. Thứ hai, chỉ có 50% DN đồng tình rằng DN nhận được thông tin, văn bản sau khi yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp. Con số này rõ ràng ở mức rất thấp và còn nhiều dư địa để cải thiện được. Thứ ba, chỉ có 1% DN có niềm tin chắc chắn mình “Dự liệu được việc thực thi của tỉnh đối với quy định của Trung ương”. Đây có thể nói là tỷ lệ thấp nhất, bởi mức bình quân cả nước là 5%, còn tỉnh cao nhất cả nước là 15%.
Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN (được đo lường thông qua 24 tiêu chí)
Trong số 7 lĩnh vực hỗ trợ DN, có 3 lĩnh vực được cộng đồng DN đánh giá khá tốt cả về số lượng nhà cung cấp tư nhân, chất lượng dịch vụ, đó là: Dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đào tạo kế toán tài chính, dịch vụ đào tạo quản trị kinh doanh.
Còn 4 lĩnh vực khác theo cảm nhận của cộng đồng DN, chưa hỗ trợ DN được nhiều, đó là: Dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, dịch vụ liên quan đến công nghệ. Theo gợi ý của phiếu khảo sát, ngoài hệ thống dịch vụ công cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN, muốn thiết lập được môi trường sản xuất kinh doanh tốt mà trong đó có dịch vụ hỗ trợ DN tương đối mạnh, tỉnh cần có chính sách khuyến khích để gia tăng số lượng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp tư nhân.
Chỉ số đào tạo lao động (được đánh giá qua 11 tiêu chí)
Tiếp tục duy trì điểm số cao của năm trước, nhìn chung DN cảm nhận tương đối tốt về dịch vụ đào tạo lao động của tỉnh, như: dịch vụ giới thiệu việc làm đáp ứng được nhu cầu của DN, chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động tương đối thấp so với các tỉnh khác trong cả nước, lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN.
Tuy nhiên, có một “điểm gợn”, đó là chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề chưa được nhiều DN đánh giá là tốt.
Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (được đánh giá thông qua 17 tiêu chí)
16/17 tiêu chí thuộc nhóm Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được cộng đồng DN đánh giá tích cực, như: DN tin tưởng hệ thống pháp luật đảm bảo quyền tài sản/ thực thi hợp đồng của DN, DN tin tưởng vào hệ thống cơ quan tư pháp đồng thời cũng gia tăng tỷ lệ DN sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp...
Cảm nhận của DN về tình hình an ninh trật tự địa phương nhìn chung là tốt và ổn định. Duy nhất 1 điểm trừ được đề cập đến, đó là có khoảng 3% DN “Phải trả tiền “bảo kê” cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn”, cao hơn 1% so với mức bình quân của cả nước.
Như vậy, thông qua kết quả này, Hiệp hội DN kiến nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh rà soát, giao mục tiêu cải thiện từng tiêu chí đến người đứng đầu cơ quan chuyên môn, đồng thời giám sát cam kết cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh với Hiệp hội DN của những cơ quan này. Trong bối cảnh chênh lệch điểm số giữa các tỉnh ngày càng thu hẹp, những thay đổi “bề nổi” có thể thực hiện ngay đã được hầu hết các tỉnh sử dụng; thì cuộc đua mới giữa các tỉnh từ đây trở đi ngày càng cam go và đòi hỏi những cải thiện thực chất và có chiều sâu hơn nữa...