Cùng nông dân “chung thuyền”

14:58, 02/04/2019

Năm 2017, sản phẩm dược liệu cây thìa canh DK của Công ty DK Natura Jsc được Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam trao tặng Huy chương Vàng - Sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng. Công ty là đơn vị thứ hai trong cả nước có vùng trồng dược liệu cây thìa canh đạt tiêu chuẩn GACP WHO (tiêu chuẩn cao nhất trong canh tác dược liệu hiện nay). Cùng năm, Công ty được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Vậy nhưng. ít ai biết được người làm nên sự thành công của DK Natura Jsc là một thanh niên còn rất trẻ. Anh là Hoàng Khắc Cần (28 tuổi, dân tộc Sán Chay) Giám đốc Công ty DK Natura Jsc, xã Yên Ninh (Phú Lương).   

“Học phí” vào đời

Bên vạt đồi đầy cây thìa canh xanh mượt, anh Hoàng Khắc Cần, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những thất bại đầu đời. Anh kể: Năm 2013, tốt nghiệp Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên), anh được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Dược Khoa (DK Pharma), (Trường Đại học Y - Dược Hà Nội). Đúng ngành học, nên anh có điều kiện vận dụng kiến thức của mình cho công việc nghiên cứu các giải pháp bảo tồn, phát triển cây dược liệu; đồng thời xây dựng hoàn chỉnh quy trình khai thác bền vững các loài cây dược liệu đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Thấy anh tâm huyết, lãnh đạo Công ty tin tưởng, cử anh tham gia khóa học về quản trị doanh nghiệp tại Trường Doanh nhân PTI. Rồi tiếp tục được Công ty cử đến các vùng núi của tỉnh Quảng Ninh điều tra, thu thập thông tin về cây dược liệu, phục vụ cho chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” do tỉnh Quảng Ninh tổ chức năm 2013.

Gắn bó với cây dược liệu, đồng nghĩa với việc phải ở xa phố, gần rừng. Anh không ngại khổ, sẵn sàng đến để kiếm tìm loài cây thuốc quý. Năm 2014, anh cùng các đồng nghiệp lên Hà Giang vùng cao nguyên đá thực hiện Dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh bám dân, bám bản, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia trồng cây dược liệu; định hướng cho đồng bào tham gia phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; kỹ năng quản lý hợp tác xã, tổ sản xuất và nghệ thuật tiếp thị sản phẩm. Cũng ở đây, anh phát hiện trên cao nguyên đá Hà Giang có rất nhiều loài cây dược liệu quý, như: Giảo cổ lam, hương thảo, đương quy nhưng đang bị bỏ ngỏ. Chính vì vậy, anh rủ thêm hai người bạn cùng góp vốn thành lập công ty riêng là Công ty Cổ phần Cao nguyên đá. Mục tiêu của Công ty là bao tiêu toàn bộ sản phẩm của cây dược liệu do đồng bào trồng, khai thác được.

Công ty được thành lập, nhưng ngay sau đó là tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ban Giám đốc mỗi người một ý nên Công ty nhanh chóng đến bờ phá sản. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư tan tành. “Vận đen” cũ chưa qua, thì tai nạn giao thông lại ập đến, anh phải nằm điều trị trong bệnh viện 2 tháng vì bị chấn thương sọ não. Anh chia sẻ: Với tôi, thời gian nằm điều trị trong bệnh viện dài vô cùng. Nhưng đó cũng là khoảng lặng quý giá để tôi “gặm nhấm” thất bại, rồi nhận ra tương lai đời mình còn nhiều cơ hội lớn.

Lập nghiệp trên đất nghèo

Về quê, anh xin đầu quân vào làm việc cho Công ty cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK (DK Natura Jsc) đứng chân tại xã xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh. Công ty này thành lập từ năm 2011, chuyên về trồng, phát triển cây dược liệu, chủ yếu là cây thìa canh. Công ty chủ động hợp tác với người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào người dân tộc Sán Chay để hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, giữa Công ty và người dân chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ, một số hộ dân tự nhổ bỏ cây thìa canh, chuyển đất sang trồng cỏ nuôi bò. Về làm việc cho Công ty, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Ơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận thấy anh còn trẻ, có tài lại năng động nên ông quyết định giao cho anh làm Giám đốc Công ty DK Natura Jsc.

Làm giám đốc cho một công ty đang lúc khó khăn, nhưng anh nhận thấy đó cũng là một cơ hội tốt để khẳng định mình. Anh chia sẻ: Tôi là dân bản địa nên hiểu bà con cần gì, thậm chí là nghĩ gì… vì thế tôi quyết định cùng bà con đi chung trên “con thuyền” xóa đói giảm nghèo. Nhưng để bà con cùng hợp tác, phát triển, tôi và Ban Giám đốc Công ty sắp xếp lại công tác tổ chức, bố trí nhân sự phù hợp với từng vị trí công việc. Chính vì thế mà chỉ ít ngày sau đó, không khí làm việc ở Công ty trở lại sôi động. Về phía các hộ dân cũng không còn nghi ngờ mà tin ở sự hợp tác, bảo lãnh sản phẩm đầu ra của Công ty...

Trong thời gian này, anh tự tìm đến các hộ Công ty còn nợ tiền trước đây để xin gia hạn, đồng thời mở rộng liên kết hợp tác với các hộ dân trong vùng. Để người dân yên tâm, công ty ứng giống, phân bón, công làm đất cho hộ tham gia trồng cây dược liệu, cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch. Chính vì vậy mà nông dân trong vùng đăng ký cùng hợp tác. Theo đó diện tích cây dược liệu cũng ngày một tăng, từ 1ha năm (2016) lên 4 ha năm (2018), sản lượng tăng từ 1,5 tấn (2016) lên 3 tấn/tháng năm (2018). Nhiều hộ khác cũng có nguyện vọng đăng ký tham gia trồng cây dược liệu bán cho Công ty. Anh Cần không giấu diếm: Năm 2018, doanh thu của công ty đạt trên 1,5 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2016. Theo đó thu nhập của người lao động tại Công ty đạt từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2016. Đến nay, Công ty đã trả hết nợ ngân hàng và tạo việc làm có mức thu nhập ổn định cho 11 lao động địa phương.

Nhiều người dân trong vùng khi được hỏi đã nói: Anh Cần đã làm thay đổi nhận thức của chúng tôi về làm kinh tế vườn rừng. Chính vì thế mà chúng tôi chủ động phá bỏ cây vườn tạp, có giá trị kinh tế thấp để trồng cây thìa canh. Bà Nông Thúy Diệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Ninh cho biết: Trước đây, đã có một số công ty về đầu tư nhưng không đạt hiệu quả do chưa hiểu đất, thuộc người nên thất bại. Với anh Cần, tuổi còn trẻ nhưng biết “đồng cam cộng khổ” với nông dân, nên bà con mến nể, cùng anh chia sẻ, hợp tác. Anh Cần đã trực tiếp giúp nông dân trong vùng nâng cao được giá trị của đất sản xuất, từ hơn 50 triệu đồng/ha lên gần 300 triệu đồng/ha. Nhờ anh Cần mà địa phương có nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Còn ông Phương Văn Dũng, xóm Đồng Phủ 1, hộ dân liên kết trồng cây thìa canh với Công ty khẳng định: Từ 3 năm gần đây, gia đình tôi và các hộ tham gia trồng cây dược liệu có sự gắn bó mật thiết với Công ty. Công ty phát triển, đời sống của chúng tôi cũng được nâng cao. Đang mải đóng gói sản phẩm, thấy chúng tôi đến thăm, bà Ngô Thị Viện dừng tay, kể: Tôi làm việc tại Công ty đã hơn 7 năm nay. Nhưng từ khi có anh Cần về làm Giám đốc  thu nhập củ tôi được ổn định, chứ không “phập phù” như trước.  

Cây dược liệu, chủ yếu là cây thìa canh đã bén rễ, lên xanh đồng đất xã Yên Ninh, và có cơ hội phát triển rộng sang các vùng lân cận. Bước đầu gặt hái được thành công, nhưng anh Cần còn trăn trở, mong muốn mỗi ngày diện tích cây dược liệu càng được mở rộng, trở thành vùng sản xuất lớn, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp sạch. Nhìn những việc anh đã làm và nghe anh nói chuyện, sức trẻ cùng sự năng động, nhiệt huyết cứ như lực hút nam châm cuốn người khác vào công việc. Tôi tin rằng, những dự định, mong muốn của anh sẽ sớm thành hiện thực.