Ngày 20/3/2019, Bộ Công Thương đã công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng 8,36% so với trước đó. Điều này gây áp lực không nhỏ tới đại đa số các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là với những đơn vị sản xuất có quy mô lớn, tiêu hao nhiều điện năng. Trước thực trạng đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động triển khai các giải pháp nhằm sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, góp phần hạn chế những ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một tuần trở lại đây, nhiều DN sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh (như Công ty cổ phần (CP) Xi măng La Hiên, Công ty CP Xi măng Quán Triều…) đã lần lượt tăng giá bán sản phẩm từ 30-35 nghìn đồng/tấn. Lý giải về điều này, ông Văn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều, ở xã An Khánh (Đại Từ) cho biết: Theo tính toán, tiền điện chiếm từ 10-20% trong tổng chi phí sản xuất xi măng. Với giá điện tăng như vừa qua, chi phí sản xuất của Công ty dự ước sẽ tăng thêm 10 tỷ đồng/năm. Do vậy, việc tăng giá sản phẩm như hiện nay là giải pháp của Công ty nhằm cân đối chi phí đầu vào và bảo đảm hiệu quả sản xuất.
Cùng với xi măng, các ngành công nghiệp nặng khác như sản xuất sắt thép, khai khoáng… với đặc điểm tiêu thụ nhiều điện năng cũng được đánh giá sẽ chịu tác động mạnh khi giá điện tăng. Theo đại diện Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, mỗi năm đơn vị phải chi khoảng 500 tỷ đồng cho việc tiêu thụ điện năng phục vụ sản xuất. Giá điện mới sẽ đội chi phí sản xuất lên khoảng 30 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 5% tổng giá thành sản phẩm. Đây là mức tăng khá lớn so với nhiều khu vực sản xuất khác, nhất là trong bối cảnh ngành thép dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các nhà sản xuất thì giá điện tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho các DN ngành này. Nhằm ứng phó với thực trạng nêu trên, đơn vị đã chủ động sớm triển khai nhiều giải pháp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho rằng, giá điện tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm thép mà còn ảnh hưởng gián tiếp do tác động lên giá cả vật tư nguyên liệu. Do đó, việc giá điện tăng sẽ tạo thêm khó khăn với DN để bảo đảm giá bán ở mức có thể cạnh tranh. Chúng tôi đã siết chặt quản lý nhằm giảm chi phí sản xuất nói chung, giảm chi phí điện nói riêng. Cụ thể là giảm thời gian sản xuất vào giờ cao điểm, điều chỉnh sản xuất vào những giờ thấp điểm. Ngoài ra, Công ty đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng gia tăng sản xuất các sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh cao trên thị trường nhằm tăng hiệu quả kinh tế, duy trì sản xuất ổn định.
Có một điểm dễ nhận thấy là trong khi các DN đang cố gắng giảm chi phí sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh thì việc tăng giá điện sẽ gây khó khăn không nhỏ. Ngoài các DN nói trên, không ít DN khác trên địa bàn cũng đã có các giải pháp để ứng phó với giá điện tăng. Theo đó, giải pháp được nhắc đến nhiều nhất là sử dụng điện tiết kiệm; điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh; cải tiến máy móc, thiết bị theo hướng áp dụng các thiết bị ít tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất. Tại Công ty Phụ tùng máy số 1, ở phường Mỏ Chè (T.P Sông Công), các biện pháp tiết kiệm điện như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế đèn trang trí, thay thế, bảo trì máy móc nhằm bảo đảm sản xuất diễn ra liên tục, ổn định… cũng đã được đơn vị áp dụng triệt để. Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty thì các giải pháp trên đều đã được Công ty chủ động thực hiện từ nhiều năm nay, do vậy, khi giá điện tăng mạnh như hiện nay thì những giải pháp nói trên cũng chỉ góp phần tiết kiệm một phần nhỏ chi phí sản xuất…
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) nhận định: Việc điều chỉnh giá điện lần này đã có lộ trình từ cuối năm 2018 nên các DN cũng không quá bất ngờ và đã chủ động tính toán phương án sản xuất hợp lý từ trước. Hơn nữa, hàng năm, các phương án tiết kiệm điện, thực hiện báo cáo kiểm toán năng lượng nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị cũng đã góp phần giảm thiểu được phần nào chi phí sử dụng điện. Tuy nhiên, khó khăn nhiều năm qua trong việc tiết kiệm điện của các đơn vị sản xuất vẫn là yếu tố công nghệ lạc hậu. Giải pháp trước mắt về vấn đề này vẫn là các DN tìm cách duy trì, bảo dưỡng máy móc thường xuyên, đúng thời hạn, lắp các loại biến tần tiết kiệm điện, đầu tư nguồn điện năng lượng mặt trời áp mái, phát huy các sáng kiến lao động sáng tạo về tiết kiệm điện năng và giảm nhân công lao động… Bên cạnh đó, cần bố trí thêm lỗ thông gió tại các xưởng sản xuất để hạn chế các thiết bị làm mát chạy bằng điện, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên chỉ sử dụng các thiết bị điện khi cần thiết…